Mới đây, một số phụ huynh học sinh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) có trụ sở tại H.Nhà Bè, TP.HCM đã tố cáo và đòi trường này trả nợ hàng chục tỉ đồng. Nhà trường viện lý do gặp khó khăn sau dịch Covid-19 nên chậm trả và hứa sẽ trả dần tiền cho phụ huynh sau khi tái cấu trúc. Phía AISVN cho rằng số tiền nợ của phụ huynh là khoản đầu tư giáo dục mà nhà trường ký kết với các bậc cha mẹ thông qua “Hợp đồng Đầu tư giáo dục”.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thanh Niên, một chuyên viên, từng làm việc gần 10 năm tại một trong những cơ sở giáo dục thực hiện hợp đồng vay vốn với phụ huynh như AISVN, đưa ra những phân tích ở các góc độ lợi ích, rủi ro của gói quyền lợi này.
Về mặt lợi ích, chuyên viên cho biết hình thức này có tính ổn định đường dài về học phí, lộ trình học tập của con. Các trường khi giảng dạy các chương trình quốc tế uy tín thường phải đảm bảo chất lượng giáo viên, sách giáo trình, cơ sở vật chất. Trong đó, chi phí nhân sự (tuyển giáo viên giỏi, đào tạo phát triển…) rất lớn nên học phí cao. Nếu không đảm bảo tài chính dẫn đến con phải chuyển sang học trường khác giữa chừng sẽ rất khó khăn và bất lợi. Phần học phí chiếm tỷ trọng lớn, áp mức tăng thường niên sẽ làm học phí đóng lẻ từng năm cao hơn. Nếu sử dụng gói hợp đồng đầu tư thì phụ huynh có thể tránh khoản tăng học phí này.
Về phía cơ sở giáo dục, theo chuyên viên, với nguồn tiền dồi dào này, nhà trường tối đa hóa, đa dạng hóa các hoạt động học thuật cũng như ngoại khóa vì lợi ích của học sinh. Dòng tiền mạnh cũng là lý do các hoạt động trải nghiệm của trường tư, cụ thể là trường quốc tế phong phú hơn hẳn trường công.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, phụ huynh phải đối mặt rủi ro nếu cơ sở giáo dục thiếu sự minh bạch hoặc chuyên nghiệp trong quản lý tài chính. Chưa kể, nhà trường sử dụng đồng vốn thiếu hiệu quả nên phụ huynh khó có thể thu hồi tiền khi có sự cố.
Trong khi đó, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, người có kinh nghiệm nghiên cứu về các mô hình giáo dục, thẳng thắn chỉ ra rằng, bản chất của “gói đầu tư giáo dục” mà các trường phổ thông quốc tế, song ngữ thường tiếp thị với phụ huynh là một hợp đồng vay vốn hay huy động vốn.
Trong đó, phụ huynh đồng ý đóng trước tiền học phí (cho vay) trong nhiều năm (có thể tới 15 năm), đổi lại học sinh được học miễn phí, hoặc được giảm học phí tới 40% hoặc hơn so với đóng lẻ từng năm.
Mặt tích cực của gói đầu tư này là phụ huynh có tiền nhàn rỗi, hoặc có khả năng đóng phí nhiều năm sẽ được hưởng chiết khấu trên học phí rất cao, không bị ảnh hưởng bởi chính sách tăng học phí từng năm (khoảng 10-15%) nếu đóng lẻ.
Tuy nhiên, phụ huynh sẽ phải theo trường suốt một thời gian dài (5 năm, 10 năm, 12 năm thậm chí 15 năm), ngay cả khi nhu cầu có thay đổi hoặc chất lượng trường học đã thay đổi.
Ở góc độ kinh tế, theo ông Nguyên, việc trao trước số tiền lớn cho trường học cũng kèm theo rủi ro là nhà trường hoàn toàn có khả năng gặp sự cố, bị thua lỗ, thậm chí phá sản. Món tiền đó không được bảo hiểm và nếu trường phá sản thì cũng chỉ thực hiện theo luật Phá sản của doanh nghiệp vì hầu hết trường tư hoạt động như một công ty, hay doanh nghiệp vì lợi nhuận.
Luật sư nói như thế nào về hợp đồng vay vốn giáo dục?
Theo thông tin ban đầu thì tranh chấp này thuộc về tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, nếu cơ sở giáo dục sử dụng nguồn tiền vào mục đích vi phạm pháp luật khiến không đủ khả năng chi trả theo cam kết của hợp đồng đã ký, hoặc cơ sở giáo dục dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì có dấu hiệu phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại điều 175 bộ luật hình sự hiện hành.
Tình hình hiện tại, với sự việc xảy ra tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, theo cá nhân tôi một mặt phụ huynh nên có đơn trình báo chính quyền, báo cơ quan quản lý chuyên môn. Mặt khác phụ huynh có thể làm đơn kiện đến tòa và tố cáo đến các cơ quan công an theo quy định.
Luật sư Nguyễn Minh Thuận, Đoàn luật sư TP.HCM.
Phụ huynh cần gì trước khi ký hợp đồng vay vốn?
Từ những phân tích nói trên, chuyên viên có kinh nghiệm làm việc 10 năm trong cơ sở giáo dục thực hiện hình thức “huy động vốn”, cho rằng phụ huynh trước khi ký hợp đồng cần yêu cầu chủ trường có cam kết sử dụng nguồn tiền cho các hoạt động chỉ liên quan đến giáo dục của trường, chứ không phải cho bất kỳ các hoạt động kinh doanh nào khác. Đặc biệt, nguồn tiền này tốt nhất không nên được sử dụng chéo sang các đơn vị khác cùng chủ đầu tư.
Còn ông Bùi Khánh Nguyên tư vấn, khi lựa chọn tham gia gói đầu tư, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ ai là chủ trường, uy tín của họ tới đâu, mức độ cam kết của họ với phát triển trường cũng như chất lượng giáo dục tới đâu? Tiềm lực tài chính của họ ra sao, “sức khỏe” tài chính lành mạnh hay đáng báo động, họ huy động vốn để làm gì? Nếu việc huy động vốn để phát triển trường, nâng cao chất lượng, xây dựng cơ sở vật chất… với kế hoạch và năng lực quản lý tốt, thì phụ huynh có thể cân nhắc tham gia để “cả hai cùng thắng”. Nhưng nếu không có thông tin đáng tin cậy, hoặc biết rõ trường vay tiền phụ huynh để tham gia đầu tư mạo hiểm, đầu tư có rủi ro cao thì phụ huynh cần cân nhắc lại vì khả năng trường mất tiền, mất khả năng trả nợ, không còn tài sản để giữ cam kết với phụ huynh là rất cao.
Từ thực tế của AISVN, vấn đề đặt ra là phụ huynh có thể nhờ trợ giúp ở đâu để bảo vệ quyền lợi? Chuyên gia Bùi Khánh Nguyên tư vấn: “Khi trường học có dấu hiệu mất khả năng trả nợ hoặc phá sản, phụ huynh có thể báo cáo sự việc với cơ quan quản lý giáo dục địa phương để có phương án lo chỗ học cho học sinh, tránh việc học bị ảnh hưởng hay gián đoạn. Hoặc phụ huynh cũng có quyền khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu cơ quan chức năng phong tỏa tài sản của trường để thực hiện nghĩa vụ trả nợ”.