Rất nhiều năm qua, nhiều người phải trải qua hành trình vật vã từ trung tâm TP.HCM về nhà qua cung đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và QL13. Riêng QL13 là cung đường chính của người dân khu vực TP.Thủ Đức và Bình Dương phải đi qua khi vào trung tâm. Trong khi đoạn qua tỉnh Bình Dương đang được mở rộng thì nhiều năm qua, đoạn qua TP.HCM giống như nút cổ chai. Khoảng 1 năm trước, nhiều người khấp khởi mừng khi nhận thông tin dự án mở rộng QL13 được thực hiện theo cơ chế đặc thù, nhưng vẫn chưa rõ khi nào khởi công.
Hồi tháng 9.2023, HĐND TP.HCM thông qua danh mục 5 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. 5 dự án này gồm QL13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương), QL1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), QL22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3), nâng cấp đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành), cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Các dự án được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2028, phần vốn nhà nước tham gia từ nay đến năm 2025 là hơn 8.300 tỉ đồng.
Thông tin về tiến độ, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện đã thuê tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Sắp tới, Sở GTVT sẽ tổ chức các hội nghị phản biện, đón nhận góp ý của giới chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và người dân bị ảnh hưởng nơi dự án đi qua. Đồng thời, TP.HCM cũng sẽ xin ý kiến các bộ ngành liên quan trong quá trình chuẩn bị đầu tư để đảm bảo dự án chặt chẽ pháp lý, hiệu quả, khả thi.
Trên cơ sở đó, Sở GTVT sẽ hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình hội đồng thẩm định trước khi UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư trong quý 3, quý 4/2024. Dự kiến cuối năm 2025 và đầu năm 2026 sẽ khởi công, tiến độ chung là đến năm 2028 sẽ phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác.
Đại diện Sở GTVT cho biết luật Đất đai mới ban hành sẽ giải quyết được một số vướng mắc về bồi thường, đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. "Các dự án sẽ triển khai đồng loạt, đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư theo quy định, quyết tâm đẩy nhanh tối đa tiến độ để sớm đưa dự án vào khai thác", đại diện Sở GTVT nói thêm.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề xuất ưu tiên mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ nút giao Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu) lên 30 - 40 m và đường Đinh Bộ Lĩnh (đoạn từ Điện Biên Phủ đến cầu Bình Triệu) lên 25 m, xây mới cầu Bình Triệu quy mô 6 làn xe để đồng bộ, khai thác hiệu quả dự án nâng cấp, mở rộng QL13.
XÚC TIẾN ĐẦU TƯ HÀNG LOẠT DỰ ÁN
Ở lĩnh vực thể thao, văn hóa, Phó giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước được áp dụng cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đối với lĩnh vực này. Cuối năm 2023, HĐND TP.HCM thông qua 41 dự án thì lĩnh vực văn hóa, thể thao có số lượng nhiều nhất với 23 dự án. Đặc biệt, có đến 16 dự án thuộc Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (P.An Phú, TP.Thủ Đức) thuộc các bộ môn như bóng đá, điền kinh, quần vợt, hồ bơi, bắn cung, bắn súng, đua xe đạp - mô tô địa hình, võ thuật, trung tâm phục hồi chức năng.
Ngoài ra, còn một số dự án khác như nâng cấp Nhà hát Bến Thành (Q.1), xây dựng hồ bơi bên trong Trung tâm văn hóa - thể dục thể thao Q.Bình Tân, xây mới Nhà hát Gia Định (Q.Bình Thạnh), khu tập luyện và thi đấu ngoài trời ở trường đua Phú Thọ rộng 9,5 ha. Bà Thúy cho biết đang phối hợp Sở KH-ĐT tham mưu UBND TP.HCM tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư đối với 21 dự án quan trọng.
Trong cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của TP.HCM, lĩnh vực thể thao, văn hóa là hơn 2%, quá ít so với nhu cầu của ngành. Bà Thúy đánh giá Nghị quyết 98 cùng với đề án phát triển công nghiệp văn hóa đã mở ra nhiều cơ hội mới để thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư, khai thác, phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Thông tin trước HĐND TP.HCM tại kỳ họp mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong quý 3 và quý 4 sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, từ y tế, giáo dục, thể thao, công nghiệp văn hóa, giao thông.