Người phụ nữ bật khóc vì được làm thẻ căn cước

15:10 - 05/08/2024

Người phụ nữ sống ở Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) đã bật khóc, vỡ òa trong hạnh phúc vì được cán bộ Công an TP.HCM đến tận nơi hỗ trợ làm thẻ căn cước.

Ngày 4.8, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM phối hợp Bộ Công an, Sở LĐ-TB-XH tổ chức cấp thẻ căn cước cho 117 nhân khẩu đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức).
Người phụ nữ bật khóc vì được làm thẻ căn cước

PC06 làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho những nhân khẩu đặc biệt

THẢO NHÂN

Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh hiện là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc cho 205 nhân khẩu đặc biệt. Trong đó, có rất nhiều người không có giấy tờ tùy thân, gây khó khăn trong quá trình sinh hoạt, thực hiện các thủ tục hành chính.

Những hoàn cảnh "3 không"

Nắm chặt tay PV Thanh Niên, bà Trần Thị Điệp (69 tuổi, quê Bến Tre) nói trong nước mắt: "Đời tôi chỉ có một mình thôi, không có giấy tờ gì hết".

Bà Điệp kể, bà sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bến Tre, bố mẹ mất sớm. Đến tuổi thiếu niên, bà theo chân những người hàng xóm lên TP.HCM với hy vọng thoát nghèo. Thế nhưng, cuộc sống ở chốn thị thành không như bà mơ ước. Cuộc sống của bà Điệp gắn liền với "3 không": không người thân, không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân, phải làm đủ nghề để kiếm sống. May mắn, bà gặp được một người hảo tâm, nhận làm chị em kết nghĩa rồi đưa về sinh hoạt tại gia đình ở Q.4.

Người phụ nữ bật khóc vì được làm thẻ căn cước

Mỗi nhân khẩu đặc biệt sẽ có 2 cán bộ công an hỗ trợ để thu thập mống mắt

THẢO NHÂN

Tuy nhiên, tuổi cao, sức yếu, lại mắc căn bệnh tiểu đường nặng, sợ thành gánh nặng của người chị kết nghĩa nên bà Điệp đã xin vào Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) từ năm 2013.

Từ khi vào Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh, bà Điệp được các cán bộ hỗ trợ làm giấy khai sinh, mua thẻ bảo hiểm y tế, được chăm sóc và hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt. Bà Điệp chia sẻ: "Ở trong đây mười mấy năm sung sướng lắm. Sáng tập thể dục, cơm nước đầy đủ, sinh hoạt bình thường. Về các giấy tờ tùy thân thì được các anh chị hỗ trợ rất nhiều".

Người phụ nữ bật khóc vì được làm thẻ căn cước

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng PC06 chỉnh trang cho nhân khẩu đặc biệt trước khi chụp ảnh chân dung

THẢO NHÂN

Khi nghe tin các cán bộ công an sẽ xuống tận cơ sở để thu thập hồ sơ làm thẻ căn cước, bà Điệp đã rất mong chờ. Dù phải xếp hàng chờ đợi, ưu tiên cho nhiều trường hợp yếu thế khác, nhưng bà Điệp cho biết không thấy mệt mỏi hay phiền lòng.

"Nhờ các cán bộ công an hỗ trợ cho chị em chúng tôi có giấy tờ tùy thân, có thẻ căn cước, được làm công dân Việt Nam, chị em chúng tôi mừng lắm", bà Điệp khóc nức nở.

Chuẩn bị sẵn sàng, làm nhanh, gọn

Trung tá Trần Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2, PC06, cho biết đơn vị phối hợp cùng Công an P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) cấp thẻ căn cước cho 117 nhân khẩu đặc biệt tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân, góp phần đưa Đề án 06 của Chính phủ gần hơn với thực tế và đời sống của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác đăng ký, quản lý cư trú tạo sự ổn định cuộc sống cho người dân và đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Sau hơn 1 năm triển khai và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, đến nay, Công an TP.HCM đã cấp gần 2.000 thẻ căn cước công dân và thẻ căn cước cho các trường hợp nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP.HCM.

117 trường hợp được làm thủ tục cấp thẻ căn cước sáng nay là những trường hợp đã có giấy khai sinh, được cấp mã số định danh. Người làm thẻ căn cước chỉ cần đọc tên để các cán bộ công an truy cứu dữ liệu, sau đó tiến hành chụp ảnh, lăn dấu vân tay, thu thập mống mắt. Toàn bộ quá trình làm thẻ căn cước cho các nhân khẩu đặc biệt diễn ra rất nhanh, chưa tới 5 phút. Trung tá Trần Thị Hồng Châu cho biết, lực lượng công an xác định việc thu thập hồ sơ cho những nhân khẩu đặc biệt sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với người bình thường.

"Tuy nhiên, với tinh thần vì dân phục vụ, lực lượng công an luôn cố gắng tạo được không khí vui vẻ, thoải mái cho các nhân khẩu đặc biệt để có thể hoàn thành các bước thu thập dữ liệu cấp thẻ căn cước một cách nhanh, gọn", trung tá Châu nói.

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu cho hay, với quyết tâm nỗ lực hết mình để tổ chức "Hành trình đi tìm định danh cho người yếu thế", Công an TP.HCM sẽ tiếp tục cùng các đơn vị có liên quan phấn đấu hoàn thành sớm việc cấp thẻ căn cước đối với các nhân khẩu đặc biệt đang cư trú tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ khác trên địa bàn TP.HCM.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Tình thương của mẹ hổ: Góc nhìn mới giúp phụ huynh hiểu con hơn

 

Truy tìm bằng chứng II: Những vụ án mới gay cấn và hấp dẫn

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...