Trả lời PV Thanh Niên, em N. (13 tuổi, ngụ xã Đăng Hưng Phước, H.Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết em phải xin tiền gia đình để trả đến 13 triệu đồng cho lò "độ xe", chưa tính giá trị xe ban đầu khi mua. Trong khi đó, theo em Đ. (14 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, H.Chợ Gạo), tiền "độ" chiếc xe đạp điện của em là gần 9 triệu đồng. Đáng chú ý, trong nhóm bạn của Đ., có em trả đến khoảng 30 triệu đồng để tăng tốc độ xe. Chi phí "độ" tỷ lệ thuận với chất lượng thiết bị được thay thế và vận tốc tối đa sau đó. Sau khi "độ", vận tốc tối đa có thể đạt được từ 60 - 70 km/giờ, thậm chí khoảng 80 - 100 km/giờ.

Xe đạp điện bị “độ, chế” rất thiếu an toàn
Ảnh: B.B
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, thông số kỹ thuật của xe đạp điện từ các nhà sản xuất cung cấp thường chỉ đạt vận tốc tối đa từ 25 - 35 km/giờ. Vì vậy, một khi xe này được "độ" đến vận tốc 80 - 100 km/giờ sẽ rất nguy hiểm vì đã phá vỡ kết cấu an toàn của xe. Cụ thể, việc thay đổi động cơ và nâng cấp pin không đúng tiêu chuẩn có thể dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống điện, gây chập, cháy, nổ pin. Đồng thời, việc thay đổi các linh kiện không phù hợp với đặc tính ban đầu sẽ làm giảm tuổi thọ xe, dẫn đến hỏng hóc bất ngờ khi vận hành.
Đáng ngại hơn, người điều khiển phương tiện là thiếu niên 13 - 17 tuổi, kỹ năng và kinh nghiệm xử lý tình huống khẩn cấp còn hạn chế, trong khi xe rất dễ mất kiểm soát. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do xe đạp điện "độ" chạy quá nhanh, đâm vào người đi đường hoặc phương tiện khác.
Sự đua đòi đáng lo
Bạn đọc (BĐ) bày tỏ vô cùng lo ngại về hiện tượng một bộ phận học sinh cấp 2 và cấp 3 "độ" xe đạp điện. BĐ Loi Nguyen Tan lên tiếng: "Xe đạp điện mà chạy 60 - 70 km/giờ, thậm chí 80 - 100 km/giờ thì không tưởng tượng được. Đây là tốc độ xe máy, ô tô chứ đâu phải xe đạp điện, huống chi là xe của học sinh. Dù thực tế chạy trên đường có thể không đạt được tới mức đó, nhưng biết đâu được lúc nào bốc đồng phóng nhanh vượt ẩu".
BĐ Trịnh Cường nhận xét: "Xe đạp điện chạy đã nhanh, khi được độ chế chạy còn nhanh hơn, đặc biệt êm ru, không nghe tiếng động từ phía sau. Thật nguy hiểm cho các cháu và cả người khác. Tuần trước, tôi đi Xuân Lộc (Đồng Nai), các bạn nói xe đạp điện ở đây được độ lại bình ắc quy nên phóng nhanh dữ lắm. Tôi nghĩ chắc ở nhiều địa phương trong cả nước có lò độ xe cũng vậy".
Trong khi đó, BĐ Hoàng Tri cho biết: "Tôi từng thấy xe đạp điện rất hầm hố, có phuộc nhún, thắng đĩa như xe máy, nhưng không để tâm lắm vì nghĩ chỉ như một kiểu trang trí hoặc gia cố. Giờ đọc báo biết là xe đạp điện được đem đi độ chế. Một kiểu đua đòi hết sức đáng lo".
"Còn đang độ tuổi đi học mà độ xe để phóng nhanh hơn thì không bình thường. Chưa cần biết tình trạng này có phổ biến hay thiểu số, chỉ cần đã xảy ra chuyện thì đề nghị phải tìm cách ngăn lây lan", BĐ Tan Vui ý kiến.
Phạm luật, gây nguy hiểm
Theo khuyến cáo của Công an tỉnh Tiền Giang, việc thay đổi kết cấu xe đạp điện không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đặt người điều khiển lẫn những người xung quanh vào tình huống nguy hiểm. Rất dễ nhận ra các xe đạp điện "độ" có nhiều chi tiết không đảm bảo an toàn. Các xe này đều thay đổi động cơ, nâng cấp pin, chỉnh sửa hệ thống truyền động, sơn lại xe, thay đổi kết cấu khung sườn, thay đổi hệ thống phanh...
Nêu quan điểm về tình huống phạm luật và tiềm ẩn nguy hại của xe đạp điện độ chế, BĐ Khắc Vinh nhìn nhận: "Với chi phí trên dưới chục triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng thì học sinh nào mà đủ tiền để đem xe đạp điện đi độ chế. Phụ huynh cho tiền để con cái đi tân trang chiếc xe thì phải chịu trách nhiệm trong chuyện này".
BĐ Linhvo cho rằng rất cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường: "Phải ngăn ngừa trước tiên từ phía gia đình, không vì thương con mà vô tình tiếp tay trong chuyện làm sai luật. Nhà trường thì có thể kiểm tra từ cổng, bãi giữ xe để có biện pháp nhắc nhở, giáo dục học sinh".
"Học sinh phóng xe đạp điện độ chế ra đường thì chuyện chiếc xe cá nhân đã thành vấn đề chung của xã hội. Cần sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, không chỉ là xử lý sự việc mà còn để bảo đảm an toàn giao thông, tính mạng con người", BĐ Khuongdao đề nghị.