Một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Q.3, TP.HCM phản ánh với PV Báo Thanh Niên: “Đi họp phụ huynh không sợ giáo viên chủ nhiệm mắng vốn con học thế nào mà sợ ban đại diện (BĐD) cha mẹ học sinh (HS) “thuyết trình” các khoản chi cần thu”.
“Đầu năm họp phụ huynh thật sự rất áp lực về các khoản thu do BĐD cha mẹ HS đưa ra… Vấn đề này xảy ra nhiều năm nay ở các trường tiểu học mà vẫn chưa đi đến hồi kết. Vẫn cứ họp phụ huynh và thu bất chấp”, phụ huynh này phản ánh.
Trao đổi thêm với PV, phụ huynh này cho biết chị đề xuất cần có một chế tài riêng về thu quỹ phụ huynh đầu năm. “Cần phải đưa ra một mức thu, như không vượt quá 500.000 đồng một học kỳ trong năm chẳng hạn. Việc này cần công khai, minh bạch. Đồng thời, cần có dự toán thu chi, không phải là BĐD tự ý chi, rồi cuối năm báo cáo cho xong với phụ huynh”, phụ huynh nói trên trao đổi.
Một người mẹ có con học tại Trường tiểu học N.H, TP.Thủ Đức, TP.HCM phản ánh lớp con chị nhiều khoản tiền còn được đóng góp như tiền tập văn nghệ, tiền in giấy khen, sửa lớp học… được phụ huynh đóng qua tài khoản cá nhân cô giáo, nhờ cô thu hộ. “Tôi đề xuất luật cấm chuyển khoản các khoản thu cho giáo dục từ tài khoản phụ huynh vào tài khoản cá nhân giáo viên. Kế tiếp, cần một cơ chế hậu kiểm việc thu chi quỹ cha mẹ HS một cách có trách nhiệm và cần một đường dây nóng, phản ánh những vấn đề nóng, lạm thu ở các cơ sở giáo dục để kịp thời điều tra. Có như vậy mới giảm được lạm thu – những hình ảnh xấu xí trong giáo dục”, chị này trao đổi.
GIẢI PHÁP CHỐNG LẠM THU
Hôm qua, trong thông cáo báo chí, Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết đã ban hành văn bản chấn chỉnh, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về thu, sử dụng học phí và khoản thu khác tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn quận.
Trước đó, Bộ GĐ-ĐT có thông tư hướng dẫn về BĐD cha mẹ HS, vận động tài trợ trong các cơ sở giáo dục; sở và phòng GD-ĐT các địa phương cũng có văn bản hướng dẫn thu chi đầu năm, chấn chỉnh lạm thu, vì sao vẫn có đơn vị làm sai quy định, phụ huynh phải lên tiếng?
Phê bình hiệu trưởng, trả lại tiền cho phụ huynh
Hôm qua 28.9, Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh có thông cáo báo chí, do Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh là bà Phạm Thị Thủy ký, về vụ việc thu quỹ hơn 313 triệu đồng, chi hơn 220 triệu đồng để sửa phòng học lớp 1/2 ở Trường tiểu học Hồng Hà.
Về khắc phục thu chi sai quy định quỹ BĐD cha mẹ HS lớp 1/2, Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh chỉ đạo: “Mặc dù công trình cải tạo lớp học do phụ huynh tự nguyện đóng góp nhưng quy trình vận động, thu chi không đúng quy định nên BĐD lớp 1/2 sẽ hoàn trả số tiền này cho phụ huynh lớp 1/2 theo đúng quy định”. Các khoản khác chi sai quy định cũng phải hoàn trả số tiền cho phụ huynh lớp 1/2.
“Chỉ đạo nhà trường thực hiện phê bình đối với bà Huỳnh Ngọc Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2, về các sai phạm nêu trên. Phòng GD-ĐT đã có văn bản phê bình bà Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trưởng, về việc chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà trường, chưa thực hiện đúng quy trình vận động, công tác thu chi quỹ hoạt động BĐD cha mẹ HS theo đúng quy định”, thông cáo nêu.
Tối qua, lớp 1/2 tổ chức họp phụ huynh và trả lại tiền thu chi sai của BĐD cha mẹ HS cho phụ huynh. Cuộc họp bắt đầu từ hơn 17 giờ, tới 19 giờ vẫn chưa kết thúc. Cô Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Cuộc họp có sự tham gia đủ của 32 phụ huynh HS. Mọi người đều phấn khởi và đã được nhận lại tiền mặt”. Khi PV Thanh Niên hỏi nguồn tiền ở đâu để trả, khi lớp đã sửa xong, mà tổng là hơn 240 triệu đồng cần trả cho các phụ huynh, cô Yến chỉ trả lời: “Đó là quyết định của nhà trường”. Anh N., một phụ huynh ra về lúc 19 giờ, cho biết đã nhận được tiền mặt là hơn 9,6 triệu đồng.
Trả lời PV Thanh Niên, luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc Công ty luật TMC Lawyers, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: “Thứ nhất, hiện nay vẫn chưa có quy định rõ về mức thu, vận động ở phụ huynh. Theo các văn bản pháp luật quy định về vấn đề trên thì vẫn chưa quy định cụ thể về mức thu. Do đó dễ dẫn đến tình trạng lạm thu ở các cơ sở giáo dục. Thứ hai, chưa có một chế tài thật sự nghiêm khắc mà chỉ có áp dụng các hình thức như phê bình, khiển trách… Thứ ba, tâm lý chung của phụ huynh là lo con em của mình. Nhiều phụ huynh dù bị lạm thu vẫn không dám lên tiếng do sợ con em mình sẽ bị trù dập dẫn đến thua thiệt so với các bạn cùng lớp, nên vẫn im lặng”.
Theo luật sư Cường, để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật, thì thứ nhất các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp.
Tiếp đó, đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư bố trí đảm bảo nguồn lực cho giáo dục của địa phương, đặc biệt là về cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục, tránh các khoản lạm thu vô lý.
“Thứ ba, cần tạo ra một hành lang pháp lý chặt chẽ, cần có những chế tài nghiêm khắc. Một khi đã có những chế tài thật sự nghiêm khắc thì sẽ hạn chế được rất nhiều hành vi lạm dụng thu chi như thực trạng trước đây. Hiện nay theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ BĐD cha mẹ HS hơn 10 năm mà chưa có thay đổi, điều này dẫn đến BĐD cha mẹ HS theo quy định còn ràng buộc nhiều quy định cũ và chưa thể hiện được vai trò của ban này”, luật sư Cường trao đổi.