Thiệt hại do cơn bão số 3 tiếp tục được địa phương cập nhật tới 18 giờ ngày 10.9. Số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương cho thấy đến tối qua bão số 3 đã làm 181 người chết, mất tích (127 người chết, 54 người mất tích).
Trong số này, Cao Bằng có 19 người chết, 36 người mất tích; Lào Cai 38 người chết, 13 người mất tích; Yên Bái 37 người chết, 3 người mất tích; Quảng Ninh 9 người chết (do bão 8 người; lũ cuốn 1 người)...
Ngoài ra, bão số 3 còn khiến 764 người bị thương (Quảng Ninh 536, Hải Phòng 81, Hải Dương 5, Hà Nội 12, Bắc Giang 7, Bắc Ninh 52, Lạng Sơn 10, Lào Cai 21, Yên Bái 10, Cao Bằng 12, Phú Thọ 5, Bắc Kạn 2, Hòa Bình 1, Vĩnh Phúc 8, Thanh Hóa 0). Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng là hơn 4.088 ha. Một số tuyến đê bị bỡ, 25 công trình thủy lợi bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại khoảng 195 tỉ đồng.
Kinh hoàng nhất phải kể đến là trận lũ quét xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (H.Bảo Yên) đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ, nơi 35 hộ dân, 128 khẩu cư trú. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ của huyện và lực lượng tại chỗ đã ứng cứu được 10 nạn nhân, tìm thấy thi thể 15 nạn nhân, còn lại rất nhiều người vẫn đang mất tích.
Cũng trong sáng qua, do sạt lở lớn từ trên sườn núi khiến lượng lớn đất đá tràn xuống nhà điều hành của Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc (H.Bắc Hà) gây sập. Một số người bị thương đã được lực lượng chức năng đưa ra khỏi điểm sạt lở, hiện còn 5 người nghi mất tích và 1 người bị thương nặng tại vị trí sạt lở.
Tại Yên Bái, hôm qua, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để có phương án di chuyển kịp thời.
Cùng với đó, chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đến nơi an toàn.
Để khắc phục thiệt hại, tỉnh Yên Bái đã tổ chức di dời 71 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 2.699 nhà nằm trong vùng nguy hiểm, 59.272 người có nhà bị ngập nước đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn bằng hình thức xen ghép vào nhà người thân và các hộ gia đình không bị ảnh hưởng. Gia đình có người bị chết được tỉnh hỗ trợ 25 triệu đồng/người; hỗ trợ gia đình có người bị thương 5 triệu đồng/người.
Khắp nơi báo đỉnh lũ
Tại Thái Nguyên, lũ trên sông Cầu đã đạt đỉnh vào 1 giờ 10.9, mức 28,81 m. Đỉnh lũ này cao hơn 0,73 m so với đỉnh lũ năm 2001. Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, đây là trận mưa lũ lịch sử, cao nhất so với 2 lần đỉnh lũ trước đó vào các năm 1959 và 2001. Mực nước lũ trong sông lên cao, đã gây ngập lụt sâu, ảnh hưởng đến giao thông đi lại và đời sống của hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc theo hai bờ sông Cầu tại các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, TP.Phổ Yên và TP.Thái Nguyên. Hiện vẫn còn 2 nạn nhân mất tích ở xã Văn Lăng do bị lũ cuốn trôi.
Tối 10.9, dù nước lũ sông Cầu trên địa bàn TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã rút khoảng 1 m so với buổi sáng nhưng nhiều khu vực trên địa bàn vẫn ngập nặng.
Tại cầu Mỏ Bạch, nơi cao nhất ở P.Quang Vinh, TP.Thái Nguyên, công tác tiếp tế cho người dân ở trong vùng ngập lụt được tiến hành rất khẩn trương. Đây cũng là nơi tập kết nhu yếu phẩm từ các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và nhà hảo tâm.
Dự báo sau mưa lũ, nguy cơ sạt lở có thể xảy ra, tỉnh Thái Nguyên đang tăng cường chỉ đạo các địa phương rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở, đồng thời khắc phục ngay những ảnh hưởng về giao thông, vệ sinh môi trường, y tế.
Mưa lớn cũng đã làm 117/938 tuyến cáp quang bị đứt, bị ảnh hưởng; 395/1.221 trạm BTS bị ảnh hưởng, hư hỏng gây mất liên lạc. Hiện 4 huyện đang bị chia cắt mạnh là Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát. Tỉnh Lào Cai đang dồn lực chỉ đạo, hỗ trợ khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, nhất là tại 4 huyện đang bị chia cắt.
Cũng trong ngày 10.9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã có công văn tới gửi các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão về việc lên phương án đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đề nghị chủ tịch UBND các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người còn mất tích, di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ vỡ đê, sạt lở, ngập lụt, mất an toàn. Đồng thời hỗ trợ, cứu chữa người bị thương và tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại do bão số 3, nhất là các gia đình có người bị chết, bị thương, mất tích. Việc này thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp, bao gồm: hỗ trợ chi phí điều trị cho người bị thương nặng; hỗ trợ chi phí mai táng cho người chết; hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở.