Hồi đó, tôi nghe anh kiến trúc sư nói rất có lý, nhưng để chuyển góp ý của anh ấy cho tỉnh thì thật không dễ. Tôi đành chờ vậy.
Mới hôm rồi, gặp anh Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch thường trực phụ trách UBND tỉnh Quảng Ngãi, tôi nghe anh nói tỉnh Quảng Ngãi đã có chủ trương di dời Bảo tàng Tổng hợp tỉnh vào sát chân núi Bút, sẽ mở đường Phạm Văn Đồng chạy thẳng ra gặp bờ nam sông Trà Khúc. Như vậy, nếu đứng từ núi Ấn nhìn thẳng về núi Bút, ta sẽ thấy một đường thẳng trên cao, tương ứng với đường Phạm Văn Đồng nối dài.
Nghe anh Tuấn nói, tôi quá mừng. Vậy là lời góp ý chân thành của anh kiến trúc sư Hà Nội từ nhiều năm trước bây giờ sẽ được thực hiện. Và không chỉ di dời bảo tàng, tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng một công viên cây xanh, một quảng trường thật đẹp ngay dưới chân núi Bút.
Riêng ngọn núi Bút thiêng liêng và thân thiết với người Quảng Ngãi từ bao đời nay cũng sẽ được tôn tạo lại. Đã gọi núi Bút là "Thiên Bút phê vân" (ngọn bút trời viết lên mây), thì "ngọn bút" không gì hơn là cây xanh. Nhưng phải trồng trên núi Bút những loại cây gỗ quý, những loại cây có tuổi thọ trăm năm hay thậm chí nghìn năm. Chứ không phải trồng cây keo trên núi Bút như có ai đó đã từng nghĩ.
Bây giờ thì tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng được đồ án quy hoạch 1/500 khu vực công viên Thiên Bút. Nhìn tổng thể, đồ án này phù hợp với khả năng thực hiện của tỉnh Quảng Ngãi. Khi bổ sung thêm công trình Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Thư viện tỉnh, tháp trên đỉnh núi Thiên Bút, cây gỗ quý trồng quanh ngọn tháp... vào quy hoạch, thì đồ án mang tầm vóc lớn nhưng hợp lý, không lắt nhắt trong quy hoạch kiến trúc mà đồng bộ, nếu lấy ý kiến người dân chắc sẽ được ủng hộ. Vì không ai không mong muốn TP.Quảng Ngãi đẹp lên một cách cơ bản sau khá nhiều năm còn thiếu vắng tiện ích công cộng.
Đồ án đưa ra giải pháp trên đỉnh núi Thiên Bút sẽ phục dựng tháp Chăm theo hướng phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, bảo vệ di tích, cải tạo cảnh quan ngọn núi, làm điểm nhấn thu hút khách tham quan, du lịch.
Về biểu tượng tháp Chăm trên đỉnh Thiên Bút, thì việc phục dựng phải tìm hiểu kỹ lịch sử, trong nhiều thế kỷ cách đây đã nghìn năm, vùng đất Quảng Ngãi từng là nơi người Chăm sinh sống, sau đó họ đã hòa huyết với người Việt để về dân tộc học, có được "người Quảng Ngãi" như bây giờ.
Vì thế, tháp Chăm trên đỉnh Thiên Bút sẽ được phục dựng đứng giữa những cây xanh cổ thụ (trong tương lai 20 năm) gồm những cây gỗ quý. Những vòm cây gỗ quý sẽ tỏa bóng lên trời như "ngọn bút" viết lên mây trắng. Đó cũng là một biểu tượng hướng về tương lai cho sự học hành, cho những thành đạt về tri thức của con em Quảng Ngãi.
Xem ra, thì giữa "Cái ấn của Trời" (Thiên Ấn) với "Cây bút của Trời" (Thiên Bút), thì người Quảng Ngãi sẽ chọn Cây Bút, vì đó là biểu tượng của tri thức, của khoa học hiện đại, của con đường đưa Quảng Ngãi phát triển về khoa học, văn hóa, công nghệ, văn học nghệ thuật. Đúng như con đường sáng lạn mà cả đất nước chúng ta đang đi, sẽ đi.
Từ một góp ý về cảnh quan đô thị đẹp trên con đường Phạm Văn Đồng hơn 20 năm trước của một anh kiến trúc sư yêu quý Quảng Ngãi, giờ đây Quảng Ngãi còn đi xa hơn để đưa TP.Quảng Ngãi đẹp hơn, giàu hơn, thu hút hơn.
Không chỉ thu hút khách du lịch, mà có thể còn thu hút những người làm khoa học, công nghệ, những nhà văn hóa, những văn nghệ sĩ tầm cỡ hội tụ về TP.Quảng Ngãi để góp tâm góp sức góp tài năng làm cho Quảng Ngãi thật sự giàu và đẹp, hạnh phúc và nhân ái.