Việc dừng cấp căn cước công dân kéo dài từ ngày 25.6 - 30.6 tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về TTXH (PC06, Công an TP.HCM), Đội Cảnh sát QLHC về TTXH tại công an các quận, huyện, TP.Thủ Đức và tại bộ phận một cửa các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Kể từ ngày 1.7, PC06, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH của công an quận, huyện, TP.Thủ Đức và tại bộ phận một cửa của các quận, huyện, TP.Thủ Đức sẽ tiếp tục việc cấp thẻ căn cước, định danh điện tử cho công dân đúng theo quy định.
Mới đây, Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 16/2024, quy định về mẫu thẻ căn cước mới thay thế cho thẻ căn cước công dân hiện hành, áp dụng từ ngày 1.7.
Tạm dừng cấp căn cước công dân tại Hà Nội, TP.HCM
Theo đó, Bộ Công an quy định 2 mẫu thẻ căn cước cho 2 nhóm đối tượng, gồm người dưới 6 tuổi và người từ đủ 6 tuổi trở lên.
Kể từ ngày 1.7, luật Căn cước bắt đầu có hiệu lực thi hành, quy định người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Theo thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng PC06, có 2 trường hợp bắt buộc phải làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước từ ngày 1.7. Thứ nhất là công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước công dân (CCCD). Thứ hai là công dân đã có thẻ CCCD nhưng hết thời hạn sử dụng. Công dân dưới 14 tuổi hoặc công dân có thẻ CCCD còn thời hạn sử dụng nếu muốn sẽ được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Theo thượng tá Hải, việc đổi tên thẻ căn cước không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước. Việc thay đổi từ mẫu thẻ CCCD thành thẻ căn cước để phù hợp với tên gọi luật Căn cước.
Khi công dân thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thông tin sinh trắc học về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt là bắt buộc đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
Còn thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi công dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.