Lo âu gián đoạn khi sắp bắt đầu tuần làm việc mới
Sự lo lắng từ ngày chủ nhật xuất phát từ nỗi sợ ngày mai phải bắt đầu một tuần làm việc mới. Với chị Ngọc Thảo - một nhân viên chăm sóc khách hàng thì khái niệm "ngày cuối tuần" rất mơ hồ. Do tính chất công việc, chị phải làm bất kể ngày giờ, chỉ cần khách hàng cần, chị phải có mặt ngay để tư vấn.
Chị Thảo kể hôm nào "may mắn" thì tầm 8 giờ tối chị sẽ được nghỉ ngơi, sinh hoạt cùng gia đình. Còn mùa cao điểm như lễ, tết, chị dường như phải cầm điện thoại 24/24. Nhiều khi, chị quên mất ngày tháng.
"Có lần, công ty có dự án lớn nên tôi phải tăng ca liên tục. Tôi thậm chí còn không nhớ hôm đấy là chủ nhật cho đến khi con trai tôi đòi mẹ đưa đi khu vui chơi. Tôi giật mình nghĩ lại, có phải bản thân đã vì công việc mà quá bỏ bê gia đình, bạn bè và cả bản thân mình nữa?", chị Thảo chia sẻ.
Chị Thảo nói thêm: "Tôi và chồng cũng rất muốn có ngày chủ nhật trọn vẹn nhưng thực tế khó lắm! Bởi không chỉ nhân viên chúng tôi bị "dí" công việc trong ngày này, bản thân các sếp cũng thế. Thật sự mà nói, cho dù có làm hết năng suất tuần làm việc 5/7 ngày thì cũng không được, kiểu gì cũng có phát sinh".
Do đó, khi định vị đang là ngày cuối tuần, người chị Thảo cảm thấy rất uể oải và lo âu. Hơn thế, lâu dài, chị còn chịu đựng những điều tệ hơn như suy giảm sức khỏe, thường xuyên thở gấp, đau dạ dày mãn tính…
Làm thêm chủ nhật thì lương vẫn thế
Vốn tưởng, khi làm thêm ngày chủ nhật hay tăng ca vào các buổi tối, người lao động sẽ được công ty chi trả thêm tiền. Nhưng theo khảo sát do người viết thực hiện với 10 người trong độ tuổi từ 23 - 35 tuổi, có đến 80% không được nhận thêm bất kỳ khoản lương hay trợ cấp nào.
Anh Hồ Tuấn Nghĩa chia sẻ, trên hợp đồng lao động, chiều thứ bảy và ngày chủ nhật là ngày nghỉ của anh. Thời gian này, anh có quyền được từ chối xử lý công việc, thậm chí không nhận tin nhắn, yêu cầu từ phía cấp trên. Nhưng thực tế mà nói, hiếm ai có thể dửng dưng khi nhìn thấy dòng tin nhắn "Alo em" hay "Em ơi, xử lý gấp…".
"Lương và đãi ngộ của tôi ở thời điểm hiện tại cũng không phải quá tệ nhưng nó chưa thật sự xứng đáng với những gì tôi đã bỏ ra. Ai cũng nói tôi làm như trâu vậy chắc tiền chất thành núi, nhưng làm gì có. Dù có làm thêm chủ nhật, tôi cũng không được nhận thêm vì công việc được giao hôm đó được xem là vấn đề phát sinh", anh Nghĩa nói.
Đã có lúc, anh Nghĩa thấy mình chẳng khác gì một cái máy. Tuần làm 7 ngày, mỗi ngày làm 8 - 10 tiếng, có khi hơn. Không chỉ kiệt quệ về mặt thể chất, sức khỏe tinh thần của anh Nghĩa cũng ngày càng đi xuống. Cuối năm ngoái, anh từng tìm đến chuyên gia tâm lý để giải tỏa.
"Tôi đã từng nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Nhưng nghỉ rồi thì đi đâu, công ty mới liệu có khá hơn hay vẫn giống như công ty cũ. Rồi nghỉ làm tiền đâu mà sống, tiền đâu gửi về quê cho gia đình", anh Nghĩa trăn trở.
Từng gặp phải vấn đề tương tự nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (26 tuổi, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lại chọn một hướng giải quyết khác. Sau một khoảng thời gian làm việc mà không có cuối tuần, chị Yến đã xin nghỉ việc và chuyển sang một công ty khác.
"Ở vị trí mới, công ty mới, tôi có thêm thời gian dành cho chính mình và gia đình, không còn sợ ngày chủ nhật nữa. Nhưng đổi lại, lương bổng không được như công ty cũ, tôi cũng phải sống tiết kiệm, chi tiêu tằn tiện hơn. Dẫu vậy, tôi vẫn cảm thấy hài lòng vì bảo vệ được sức khỏe tinh thần của mình", chị Yến cho hay.
Cam kết để người lao động đồng hành
Chị Bích Tiên (nhân viên phụ trách hành chính - nhân sự tại một công ty ở lĩnh vực công nghệ tại Q.1, TP.HCM) cho biết hiện nay đa số doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thật sự tôn trọng ngày cuối tuần của nhân viên. Một phần vì thị trường đang khó khăn nên doanh nghiệp muốn tối ưu hóa năng suất của nhân viên hết mức có thể để hạn chế tuyển dụng, không áp lực chi trả lương thưởng. Một người phải kiêm nhiệm rất nhiều đầu việc để đảm bảo chỉ tiêu.
"Có đôi khi, sếp tôi còn giao công việc vào chiều thứ 6, bảo là thứ 2 tuần sau phải báo cáo kết quả giải quyết. Nhưng điều này có nghĩa là tôi phải làm luôn cuối tuần. Chuyện công ty "bào" nhân viên thì không phải hiếm, nhưng điều quan trọng là nếu người sử dụng lao động không cam kết được giai đoạn vượt qua khó khăn thì nhân viên rất stress, dễ kiệt sức và khó đồng hành. Doanh nghiệp đối diện với nguy cơ mất nhân lực chất lượng", chị Tiên nói.
Theo nhân sự này, người lao động cũng cần có phản ứng cần thiết nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm; việc đối thoại sẽ giúp thúc đẩy để xây dựng môi trường lao động tốt hơn.