Khi ban đại diện (BĐD) cha mẹ học sinh (HS) kêu gọi quyên góp tiền, cho dù là tự nguyện thì cũng phải có kế hoạch và chi tiết các khoản sẽ chi. Bởi vì không ai “tự nguyện” đóng góp khi không biết khoản đóng góp đó dùng vào việc gì. Mà muốn có kế hoạch sử dụng tiền trong tương lai, thì chắc chắn phải thông qua người chịu trách nhiệm quản lý là hiệu trưởng, mới biết được những vấn đề cần xử lý, những hạng mục cần chi phí.
Tại điểm b khoản 2 điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định, hiệu trưởng có trách nhiệm thống nhất với trưởng ban BĐD cha mẹ HS trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ. Rõ ràng, theo quy định pháp luật, hiệu trưởng biết và buộc phải biết kinh phí của BĐD cha mẹ HS được dùng vào việc gì, như thế nào cho hoạt động của nhà trường.
Vị luật sư này cũng phân tích, các khoản mà pháp luật cấm, không cho phép BĐD cha mẹ HS quyên góp, cho dù là tự nguyện đã được quy định rõ tại khoản 4, điều 10, Thông tư 55. Hiệu trưởng không thể nói rằng không biết quy định này.
Vì vậy theo luật sư Huân, khi người đứng đầu nhà trường không thể vô can thì cần thanh tra giáo dục kịp thời, sát sao để xử lý thật nghiêm những sai phạm.
Cũng trong chiều 28.9, PV Thanh Niên đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM rằng vì sao dù đã ban hành những hướng dẫn về việc thực hiện các khoản thu trong trường học nhưng vẫn xảy ra tình trạng thu sai mục đích gây phản ứng trong phụ huynh HS? Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết BĐD cha mẹ HS phải thực hiện nghiêm theo các quy định của Thông tư 55, còn nhà trường khi thực hiện các hoạt động tài trợ phải áp dụng theo Thông tư 16. Và nghiêm cấm BĐD cha mẹ HS sử dụng danh nghĩa để thu sai mục đích.
Đồng thời người đứng đầu ngành giáo dục TP.HCM nhấn mạnh, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm trước tất cả các khoản thu thực hiện trong nhà trường.
Ngay sau đây, theo ông Hiếu, ngành giáo dục sẽ quyết liệt kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp thu sai quy định.