Theo Sở LĐ-TB-XH Bình Phước, từ năm 2023 đến nay, tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, bị tai nạn đuối nước có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Cụ thể, ghi nhận có 94 trẻ bị bạo lực, xâm hại (trong đó 75% bị xâm hại tình dục), 32 trẻ bị đuối nước.
Sở LĐ-TB-XH cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước, trong đó có sự thiếu sự giám sát của người lớn; trẻ chưa ý thức được nguy hiểm ở môi trường nước, kỹ năng bơi lội yếu hoặc không biết bơi; công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước chưa được quan tâm đúng mức.
Cùng với đó là môi trường sống có nhiều ao, hồ, sông, suối tiềm ẩn nguy hiểm, không có rào chắn, biển báo cảnh báo nguy hiểm; các khu vui chơi an toàn cho trẻ em còn hạn chế, dẫn đến trẻ em phải chơi ở những khu vực sông, suối nơi mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao.
Theo Sở LĐ-TB-XH, việc phòng, chống trẻ em bị đuối nước và xâm hại trẻ em là trách nhiệm của các ngành, các cấp, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Thời gian tới cần xây dựng môi trường sống an toàn, đảm bảo an toàn, phòng ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em.
Gia đình không để trẻ em chơi một mình ở những nơi nguy hiểm; nhà trường cần đưa môn bơi vào học đường và đảm bảo 100% các em biết và thực hành kỹ năng bơi; xây dựng các đội ngũ cứu hộ và sơ cấp cứu tại các khu vực bơi lội công cộng…
Lý giải tình trạng học sinh đuối nước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, cho rằng tỉnh Bình Phước với đặc thù nhiều sông, suối, ao, hồ, địa bàn rộng nên khó khăn trong công tác dạy bơi trong trường học.
Qua thống kê, toàn tỉnh chỉ có 47 bể bơi di động và cố định trong số hơn 300 trường học trên địa bàn. Riêng H.Hớn Quản hiện không có trường học nào có bể bơi. Mặc dù hiện nay có gần 70% giáo viên dạy giáo dục thể chất trong nhà trường có thể dạy bơi nhưng do thiếu bể bơi, cơ sở vật chất dạy bơi dẫn đến tỷ lệ học sinh biết bơi trên địa bàn tỉnh rất thấp (khoảng 23.000/211.000 học sinh toàn tỉnh biết bơi), tỉ lệ chưa tới 10%.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, dự kiến cuối tháng 10.2024, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ đề án dạy bơi an toàn và phòng chống đuối nước cho học sinh. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo Sở GD-ĐT tham mưu, thực hiện đề án dạy bơi an toàn cho học sinh. Từ đó tỉnh sẽ tính toán nguồn lực từ ngân sách cũng như nguồn lực xã hội hóa để đầu tư hồ bơi, giảm thiểu tình trạng đuối nước cho trẻ em .