Ngã ba giao giữa đường Nguyễn Kim và Phạm Hữu Chí, cạnh cổng Trường THPT Hùng Vương (P.12, Q.5) nhộn nhịp xe hàng rong, quán nước, quán ăn vỉa hè… Khu vực này sầm uất do gần trường học, bệnh viện nên đông học sinh và người nhà bệnh nhân đến ăn uống.
Bà Nguyễn Thị Em (ngụ Q.8) bán há cảo ở góc đường này hơn 10 năm. Cả chục năm nay, tiệm ăn trên khoảng vỉa hè đủ dựng 3 dãy bàn ghế, trừ vỉa hè cho người đi bộ đường Phạm Hữu Chí khoảng 2 m, đường Nguyễn Kim khoảng 3,5 m. Bà Em cho hay bà buôn bán ở đây không mất bất kỳ chi phí nào, chỉ hỗ trợ tiền gửi xe cho công ty bị quán ăn của bà chắn phía trước.
Khi được hỏi về chủ trương thu phí sử dụng vỉa hè, bà Em nói bản thân rất ủng hộ. “Được bán một chỗ khách hàng đến ăn lần này còn biết mà đến lần sau, chứ lần này ăn ở đây thấy ngon, lần sau người ta quay lại thấy xe đồ ăn dẹp mất tiêu thì lấy đâu khách quen mà bán”, chủ quán ăn này nói.
Cũng bán quán ăn trên đường Nguyễn Kim gần 10 năm, vợ chồng chị Nga, anh Đạt kể không biết bao nhiêu lần bị trật tự đô thị tuýt còi khi đang bán hàng cho khách. Vợ chồng anh chị thuê trọ ở Q.7, sáng sớm mang xe hàng lên đường Nguyễn Kim bán đến 8 giờ tối, cuộc sống không dư dả gì. Từ khi biết TP.HCM sẽ cho thuê vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán, anh chị mừng ra mặt, thường xuyên đọc báo để cập nhật tin tức. “Giờ mà thành phố cho mấy cái xe đồ ăn này thuê để ổn định buôn bán thì quá tốt, đỡ phải lo vừa bán vừa sợ bị tuýt còi”, anh Đạt chia sẻ, đồng thời cho biết giá thuê dao động 50.000 – 100.000 đồng/m2 là có thể chấp nhận được.
Dù người buôn bán trên vỉa hè ủng hộ nhưng những hộ nhà mặt tiền lại khá băn khoăn về việc cho thuê vỉa hè, lòng đường. Ông Nguyễn Trường Sơn (đường Trần Đình Xu, P.Cầu Kho, Q.1) cho rằng vỉa hè nhộn nhịp người kinh doanh ăn uống đã trở thành điều quá quen thuộc trên đường phố, nhưng bỗng dưng một ngày trước cửa nhà mình “mọc” lên một quán ăn ồn ào, đông đúc thì lại là chuyện khác. Gia đình ông Sơn có người già nên không muốn có quán ăn trước cửa nhà. “Chủ trương của TP.HCM là vậy nhưng phải có sự đồng thuận của người dân. Không ai thích trước cửa nhà có quán ăn buôn bán đến nửa đêm mờ sáng”, ông Sơn nói.
PHẢI KHẢO SÁT KỸ LƯỠNG
Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhìn nhận việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường là chủ trương đúng, bởi ngay các nước phát triển, số lượng người lao động khu vực phi chính thức không nhiều thì họ vẫn có khu vực cho người dân sử dụng.
Tuy nhiên, khi cho thuê vỉa hè phải đảm bảo nhiều yếu tố: vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự… do ảnh hưởng đến nhiều nhóm người khác nhau. Đầu tiên là nhóm người đi bộ trên vỉa hè phải được đi lại thuận tiện. Nhóm thứ hai là người kinh doanh phải có mặt bằng ổn định, tương đối lâu dài để an tâm kinh doanh. Thứ ba là hộ nhà mặt tiền đường không thấy thoải mái khi có ai đó đến trước nhà buôn bán, kinh doanh. “Chính quyền nên khảo sát cụ thể để hiểu được tâm tư, tình cảm của họ và đưa ra giải pháp phù hợp”, ông Thành khuyến nghị.
Chuyên gia này nhận định cho thuê vỉa hè cũng phát sinh nhiều vấn đề, thậm chí là xung đột lợi ích nên phải có cơ quan đầu mối đứng ra giải quyết (cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh, hiện chưa được ban hành – PV). Mặt khác, khoản kinh phí thu được từ cho thuê vỉa hè sẽ được sử dụng vào việc tu sửa vỉa hè đó, nội dung tu sửa là gì cũng phải nói rõ để người dân đồng tình.
Liên quan đến mức phí, ông Thành nói nếu chỉ vài chục ngàn đồng thì không phải là vấn đề quan trọng, nhưng nếu đó là số tiền lớn (cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng) thì ai sẽ thuê phần vỉa hè đó? Trong trường hợp những người buôn bán trên vỉa hè đó từ trước không đủ tiền thuê vỉa hè, thì giải quyết sinh kế của họ như thế nào? Theo chuyên gia này, chi phí phải tương đối hợp lý hợp tình để những người thu nhập thấp đang kiếm sống trên vỉa hè tiếp tục cuộc sống. Nếu thu phí cao quá sẽ vô tình gạt những người đó ra, họ không còn sinh kế nữa, bởi thực tế đây là một phần an sinh xã hội phi chính thức.
Nghị quyết của HĐND TP.HCM yêu cầu việc thu phí phải công khai, minh bạch và xử lý những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại nếu không làm bài bản thì sẽ đi vào vết xe cũ của thu phí đậu ô tô dưới lòng đường mà TP.HCM áp dụng từ năm 2018. Bởi lẽ trong nhiều năm qua, dư luận phản ánh nhiều lần về tình trạng “cát cứ”, trục lợi cá nhân, chiếm dụng chỗ đậu xe, thậm chí phải bù lỗ 8 tỉ đồng. Những băn khoăn đặt ra là có cơ sở, khi phạm vi thu phí lần này rộng hơn cả về số tuyến đường lẫn đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng.
“Trách nhiệm địa bàn sẽ như thế nào? Cán bộ phường lâu nay nhiều việc, bây giờ phải quản lý thêm phần thu phí nữa thì có làm xuể hay không?”, thạc sĩ Lê Văn Thành đặt vấn đề.
Nhiều ý kiến cũng đặt ra những tình huống có thể dẫn đến tiêu cực phát sinh, đó là “thuê 1 m2 mà sử dụng cả chục m2 thì ai kiểm tra, xử lý vi phạm?”; liệu có giải quyết được tình trạng lấn chiếm vỉa hè vô tội vạ như hiện nay; lộ trình cải tạo vỉa hè sạch đẹp có đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng…