Năm 2024, TP.HCM đã phân bổ vốn đầu tư công hơn 79.200 tỉ đồng. Dù đặt mục tiêu đến hết quý 2/2024 giải ngân ít nhất 30% nhưng tính đến ngày 30.6, địa phương này chỉ đạt tỷ lệ 13,8%, bằng 50% so với bình quân cả nước.
Khái quát về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, ông Mãi nhìn nhận cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn, cộng với tín hiệu tích cực từ thị trường thế giới, trong nước và thành phố nên mang lại nhiều chỉ số tích cực như tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 6,4%, thu ngân sách hơn 54%...
Dù vậy, Chủ tịch TP.HCM chỉ ra 2 vấn đề nổi lên là năng lực hấp thu vốn và hiệu quả của cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính. "Cả đầu tư công và đầu tư tư nhân đều vướng thủ tục, từ quy hoạch, đất đai đến thủ tục dự án", ông Mãi nhìn nhận, đồng thời yêu cầu phải tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quý 3 và quý 4.
Về giải pháp trước mắt, các quận huyện, sở ngành báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công để điều chỉnh vốn, trình HĐND TP.HCM xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm. Nếu chậm trễ, chủ đầu tư và Sở KH-ĐT phải chịu trách nhiệm.
Ông Mãi đề nghị các ban quản lý dự án lớn cấp TP.HCM xem xét chuyển giao dự án về cho quận, huyện triển khai, hoặc cấp quận làm tốt thì mạnh dạn trao đổi, đề xuất nhận thêm dự án để đẩy nhanh tiến độ.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhấn mạnh 6 tháng cuối năm phải tập trung mọi nỗ lực, mọi giải pháp thúc đẩy cho được tăng trưởng quý 3 từ 7% trở lên, quý 4 đạt 8%. Năm 2024, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8%.
Ông Mãi cho biết, sau khi quy hoạch chung TP.Thủ Đức, quy hoạch TP.HCM và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM được phê duyệt, địa phương sẽ tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư lớn. "Chúng ta làm quy hoạch chậm nhưng khi được phê duyệt thì phải phát huy ngay", ông Mãi nói thêm.
Gỡ vướng thủ tục quy hoạch và bồi thường
Trao đổi tại phiên họp, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm nói rằng, con số giải ngân 13,8% sau 6 tháng là rất đáng lo, và nếu không có sự tập trung sẽ thấp hơn năm 2023.
Hiện các dự án chuẩn bị đầu tư đều gắn với quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng. Ông Lâm nhận định nếu giải quyết được 2 vấn đề này sẽ giúp tăng tỷ lệ giải ngân và tiến độ dự án.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin thêm, trên địa bàn có 5 dự án trọng điểm quốc gia. Riêng dự án Vành đai 3, nếu không tập trung cao độ thì sẽ chậm hơn các tỉnh khác, bởi hiện tiến độ của Đồng Nai và Bình Dương đã vượt hơn TP.HCM.
Tương tự, dự án đường nối tuyến Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa (Q.Tân Bình) nếu không đẩy nhanh thì khi nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thành dịp 30.4.2025, tuyến đường này cũng chưa thông.
Liên quan đến công tác bồi thường, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Phạm Trung Kiên cho biết, năm nay cần giải ngân hơn 22.000 tỉ đồng. Hiện các quận, huyện quan tâm đến luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1.8 có thể làm tăng vốn bồi thường.
Ông Kiên chỉ ra một số dự án đã nhận đủ vốn nhưng chưa bàn giao mặt bằng, hoặc giao mặt bằng không đủ nên chưa đủ điều kiện thi công, ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu xây dựng. Phó giám đốc Sở KH-ĐT đề nghị Sở TN-MT hướng dẫn một lần về thủ tục cấp giấy phép xây dựng để triển khai dự án.