Ông Võ Xuân Cửu, Trưởng thôn Trâm Lý, cho biết từ nhiều năm trước cây cầu đã có dấu hiệu xuống cấp, khi các phần kết cấu hư hỏng, gỉ sét hơn 60%. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy, phần nối trên mặt cầu rạn nứt, lan can sập đổ gần một nửa; dầm cầu được làm bằng sắt đã gỉ sét, mục nát các mối nối…
Theo ông Cửu, vì đây là tuyến đường chính và ngắn nhất để các phương tiện lưu thông giữa các xã ra QL1, nên không chỉ có ô tô con mà nhiều xe tải nặng chở vật liệu xây dựng, nông sản, gỗ… cũng qua lại thường xuyên. “Người dân trong thôn đã quen với cây cầu nhưng qua lại vẫn còn sợ, huống gì là người lạ. Chỉ cần bất cẩn, rất dễ bị sụp vào vết nứt trên mặt cầu. Chưa nói lan can gãy rụng gần hết, rất nguy hiểm”, ông Cửu lo lắng.
Chỉ cần chứng kiến cảnh tượng xe tải qua lại mới hiểu được nỗi lo của người dân nơi đây. Khi có xe đi qua, cả cây cầu rung lắc bần bật. Anh Nguyễn Hoàng, người dân sống ở thôn Trâm Lý nhiều năm, chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 con nhỏ là học sinh phải thường xuyên qua lại trên cây cầu, nên nỗi lo mất an toàn trên đường đến trường của con cái ngày càng nhiều hơn”.
Bên kia cầu xóm Làng bắc qua sông Nhùng có khu vực đồng ruộng với 24 ha lúa, 7 ha hoa màu, 1 trạm bơm điện. Có 14 hộ dân của thôn Trâm Lý đang sinh sống và sản xuất (khu vực này giáp với thôn Long Hưng, xã Hải Phú). Ông Võ Tất Phi, Giám đốc HTX Trâm Lý, cho rằng việc trùng tu sửa chữa hoặc xây dựng cầu mới là hết sức cấp thiết. Bởi vì ngoài nhu cầu về lưu thông an toàn của các phương tiện vãng lai, tuyến đường này còn ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và kinh tế của bà con thôn Trâm Lý.
Theo ông Võ Xuân Cửu, sau nhiều năm kiến nghị, có một lần ngành chức năng của huyện cắm 2 tấm biển cảnh báo nguy hiểm ở 2 đầu cầu. “Mong rằng các cấp chính quyền và ngành chức năng nhanh chóng xem xét, có chính sách cụ thể, thích hợp để đáp ứng nguyện vọng xây cây cầu mới cho bà con”, ông Cửu đề xuất.