Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trên địa bàn TP.Biên Hòa đang có hàng loạt khu đất công bỏ hoang, không sử dụng. Đa phần đều nằm trong nội ô, ở những phường dân cư đông đúc. Tình trạng này vừa gây lãng phí vừa mất mỹ quan đô thị.
Cụ thể như khu đất hãng dầu (diện tích 2,2 ha ở P.Trung Dũng); khu đất Công ty may Đồng Tiến (diện tích 2,7 ha ở P.Tân Mai); khu đất của Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Đồng Nai (hơn 1 ha ở P.Trung Dũng) cùng hàng loạt trụ sở các cơ quan nhà nước, các khách sạn, rạp chiếu phim cũ…
Tại kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X ngày 11.12, bà Hoàng Thị Bích Hằng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, cử tri Biên Hòa kiến nghị cần có giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và phương án sử dụng các khu đất công trên địa bàn. Cụ thể rạp Lido, nhà khách 71, trụ sở Ban Tôn giáo (cũ), rạp Khánh Hưng, trụ sở Thanh tra tỉnh Đồng Nai (cũ)...
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, các khu đất này được UBND tỉnh giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai quản lý, lên kế hoạch đấu giá lấy nguồn thu nhằm đầu tư phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, hàng chục khu đất tiềm năng ở TP.Biên Hòa và các địa phương khác được đưa ra đấu giá nhưng không có ai mua.
Lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai cho hay: "Nguyên nhân chưa thể bán được đấu giá do các quy định về pháp luật khiến công tác xác định giá, tổ chức bán gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó tình hình bất động sản đóng băng cũng khiến ít nhà đầu tư quan tâm. Điển hình như khu đất rộng 4.116 m2 nằm trong Trung tâm hành chính H.Cẩm Mỹ được rao bán tận 4 lần nhưng không có ai tham gia mua".
Đề xuất chỉnh trang, không để đất công hoang hóa
Vào giữa năm 2024, cho rằng những khu đất trên đều nằm mặt tiền các tuyến đường chính, khu vực sầm uất, đông dân cư... nhưng hiện trạng bỏ hoang, nhếch nhác nên Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đề xuất UBND tỉnh cho tạm thời cải tạo, chỉnh trang thành bãi đậu xe, công viên, không gian công cộng.
Theo Sở Xây dựng, các khu đất bỏ hoang dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm, buôn bán tạm bợ, đổ rác… tiềm ẩn các tệ nạn xã hội. Trong khi đó, đô thị Biên Hòa lại đang thiếu nhiều chỉ tiêu về cây xanh, công viên, sân chơi, không gian công cộng, chỗ đậu xe…
Mới đây, Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cũng có văn bản gửi UBND TP.Biên Hòa đề xuất sử dụng 2 khu "đất vàng" (khu đất hãng dầu và khu đất Công ty may Đồng Tiến). Theo đó, phương án Phòng Quản lý đô thị đề xuất là xây dựng chung cư cao tầng phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội kết hợp công viên cây xanh, bãi đỗ xe.
Trả lời PV Thanh Niên vào ngày 11.12, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Phong An cho biết sắp tới UBND thành phố sẽ họp bàn về các đề xuất của Phòng Quản lý đô thị, sau đó sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh Đồng Nai.
Cũng theo ông Nguyễn Phong An, hiện TP.Biên Hòa đang chỉ đạo rà soát tất cả các khu đất công trên địa bàn, kể cả các khu đất sắp hết hạn cho thuê nhằm nghiên cứu quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển của thành phố trong tương lai.
Đối với các khu đất công đang bỏ hoang trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa nói các khu đất đó đều thuộc quản lý của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, ở góc độ địa phương, TP.Biên Hòa sẽ tính toán, nghiên cứu để làm sao để khai thác tốt và hiệu quả nhất đối với từng khu đất rồi tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai quyết định.
"Ưu tiên là cải tạo thành không gian công cộng, công viên, bãi đậu xe ô tô, nhưng cũng phải làm sao cho hài hòa, không lãng phí. Vừa có không gian công cộng cho người dân nhưng cũng phải tính tới việc bán đấu giá mang lại nguồn thu cho tỉnh phục vụ đầu tư công', ông An nói.
Cải tạo thành cổ Biên Hòa thành quảng trường
Ngoài việc đề xuất cải tạo các khu đất công, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai còn đề xuất cải tạo di tích cấp Quốc gia thành cổ Biên Hòa thành quảng trường. Theo Sở Xây dựng, TP.Biên Hòa là đô thị lớn nhưng hiện tại có nhiều thiết chế văn hóa (nhà hát, quảng trường, sân vận động…) vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoặc xây dựng nhưng chưa xứng tầm quy mô.
Vì vậy đơn vị này đề xuất một số ý tưởng có thể biến đổi, chỉnh trang và hình thành các quảng trường thiết thực nhất, gắn với các địa danh, dấu tích lịch sử Biên Hòa; có thể tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa phục vụ tinh thần cho người dân.
Cụ thể là cải tạo di tích thành cổ Biên Hòa, nhưng đảm bảo nguyên tắc không can thiệp, không tác động trực tiếp đến di tích; chỉ tập trung cải tạo không gian, cảnh quan nhằm tăng giá trị di tích, tăng môi trường kết nối, giáo dục cộng động.
Mới đây Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa thống nhất ý kiến trên của Sở Xây dựng, đề xuất UBND TP.Biên Hòa xem xét.