Theo lý giải của chính quyền, trên địa bàn xã còn nhiều công trình chưa hoàn thành theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới do một số cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp.
"Thực hiện kết luận hội nghị định kỳ UBND xã, để đảm bảo quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ, yêu cầu mọi người dân trên địa bàn toàn xã kể từ ngày 10.3.2024, khi đến UBND xã giao dịch làm các thủ tục hành chính các loại giấy tờ phải có xác nhận của thôn trưởng về việc gia đình đã chấp hành tốt hay chưa chấp hành các chủ trương của Đảng, Nhà nước và các nghĩa vụ đóng góp xây dựng nông thôn mới của địa phương đề ra", thông báo của UBND xã Thanh An nêu.
Trường hợp chưa có xác nhận của thôn trưởng, UBND xã, bộ phận giao dịch một cửa tạm dừng giao dịch.
Tương tự, đối với cán bộ đảng viên đến giao dịch, chính quyền xã yêu cầu phải có xác nhận của bí thư chi bộ.
Kể từ ngày có thông báo trên, người dân ở xã Thanh An khi đến trụ sở xã xin xác nhận hồ sơ đều bị từ chối và yêu cầu quay trở lại gặp thôn trưởng để xin giấy xác nhận đã "chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, các nghĩa vụ đóng góp xây dựng nông thôn mới".
Theo người dân nơi đây, quy định này là loại "giấy phép con" gây phiền hà cho họ vì không phải lúc nào trưởng thôn cũng ở nhà để ký xác nhận. Chưa kể, nếu trưởng thôn có công việc đi vắng nhiều ngày thì thời gian chờ đợi của người dân kéo dài hơn.
"Số người chây ỳ đóng góp chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng xã lại buộc mọi người dân phải qua trưởng thôn xin giấy xác nhận là gây khó cho người dân", một người dân phàn nàn.
Ông Nguyễn Trọng Thành, Trưởng thôn An Phú, cho biết ngay sau khi có thông báo của xã, ông đã thông báo rộng rãi và tự đi in các mẫu giấy xác nhận cho người dân. Trong mẫu giấy xác nhận do UBND xã Thanh An cấp, trưởng thôn phải xác nhận các nội dung: đã chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định, các nội dung thực hiện của xã, của thôn xóm, của cụm - tổ dân cư đã bàn và quyết định; các khoản quỹ của Nhà nước từ trước tới nay gia đình đã nộp và chưa nộp; việc thực hiện các khoản nghĩa vụ tại địa phương gồm phí môi trường, quỹ giao thông, quỹ nội đồng và khẩu 64 từ năm 2003 đến năm 2021; phương án xây dựng nông thôn mới từ năm 2022 đến 2024.
Theo ông Thành, để hoàn thành nông thôn mới, từ năm 2022 - 2024, thôn tiến hành thu tiền của những người trong độ tuổi lao động, mỗi người 3 triệu đồng nộp trong 3 năm. Thôn này có hơn 1.200 người đang trong độ tuổi lao động, tương đương nguồn thu hơn 3,7 tỉ đồng trong 3 năm. Tuy nhiên, đến nay mới thu được khoảng 1,7 tỉ đồng.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết địa phương được huyện giao phải về đích nông thôn mới trong năm nay. Tuy nhiên, muốn thành công thì phải "trao quyền" cho các trưởng thôn để hoàn thành các khoản đóng góp.
"Nói về pháp lý thì quy định này không đúng, không có luật nào cho phép. Nhưng chúng tôi triển khai theo lệ làng, căn cứ vào tình hình thực tế địa phương và từ các đề xuất của các thôn", ông Nam giải thích.
Xã Thanh An có 1.500 hộ với hơn 6.000 người, đang nợ khoảng 200 triệu đồng các khoản đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, giao thông nội đồng, phòng chống thiên tai. Theo ông Nam, lâu nay xã không áp dụng chế tài nên khó thu tiền đóng góp. Do đó, quy định đưa ra cũng là để "nâng cao ý thức người dân".
"Khi đến xin giấy xác nhận, chúng tôi cũng không yêu cầu họ phải đóng hết các khoản tiền. Có thể đóng trước một ít rồi cam kết sẽ đóng phần còn lại", Chủ tịch UBND xã Thanh An phân trần.