Về tiến độ của một số dự án cụ thể, TP.HCM đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Phước đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành. Ngoài ra, các địa phương và Bộ GTVT đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Dầu Giây - Tân Phú.
Tại các dự án khu vực Bắc bộ và Trung bộ, nguồn cung cấp vật liệu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. Với các dự án khu vực phía nam, Bộ TN-MT đang phối hợp Bộ GTVT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ và điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án, đáp ứng tiến độ thi công.
Về triển khai thi công, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 (đến nay sản lượng đạt 36.866/98.372 tỉ đồng, tức 37,5%). Các dự án thành phần 2 và 3 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất; cao tốc Bến Lức - Long Thành... đang triển khai bám sát tiến độ.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang tiến hành chạy thử và hoàn thiện các thủ tục liên quan, dự kiến sẽ khai thác thương mại vào tháng 7.2024. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên tiếp tục chạy thử để phục vụ việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, dự kiến sẽ khai thác thương mại vào quý 4/2024.
Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng tại một số dự án còn chậm do các khó khăn về xác minh nguồn gốc đất ở, khiếu nại về đơn giá. Một số dự án do các vướng mắc về giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu nên tiến độ triển khai thi công còn chưa đạt kế hoạch, như dự án Cần Thơ - Cà Mau, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột...
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả đạt được, "công trình ở đâu thì người dân và địa phương hưởng lợi tới đó". Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ GTVT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN và các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Hòa Liên - Túy Loan, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Tuyên Quang - Hà Giang để bảo đảm mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Theo đó, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng công trình, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, tình trạng mua bán thầu, thông thầu… Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Nội vụ rà soát, phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc trước ngày 31.12.2025, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Phấn đấu năm nay khởi công thêm nhiều dự án lớn
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp giải trình, bổ sung phù hợp để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đang diễn ra.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT chủ trì phối hợp các địa phương phấn đấu khởi công trong năm 2024 dự án thành phần 3 của dự án Vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình đầu tư theo phương thức PPP), Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Phấn đấu khởi công chậm nhất ngày 2.9 đối với các dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
Bộ KH-ĐT khẩn trương tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Ninh Bình - Hải Phòng đầu tư theo phương thức PPP; phối hợp với TP.HCM và các cơ quan liên quan để sớm trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án TP.HCM - Mộc Bài...
Về vật liệu xây dựng, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre ưu tiên toàn bộ trữ lượng các mỏ trên địa bàn hiện nay (Tiền Giang khoảng 41,8 triệu m³, Bến Tre khoảng 15,36 triệu m³) để cấp cho các dự án trọng điểm. Theo đó, cân đối, phân bổ cho các dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Vành đai 3 TP.HCM.
Tại hội nghị, liên quan tới thông tin một số diện tích lúa tại xã Vị Thắng, H.Vị Thủy, Hậu Giang giáp cao tốc Hậu Giang - Cà Mau bị chết, nghi ngờ do đất bị nhiễm mặn từ nguồn cát đắp nền dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định dự án "chưa sử dụng một hạt cát biển nào cả" và nguồn cát sử dụng cho dự án được kiểm soát chặt chẽ, không "làm dối" được. Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cùng Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức đoàn công tác để khảo sát, tìm hiểu lý do khiến lúa chết.