Theo đó, sau khi tốt nghiệp khóa 1 Trường Sư phạm Quy Nhơn (1962 - 1964), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được điều về Ty tiểu học Lâm Đồng (tỉnh lỵ đặt tại B'Lao, nay là TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) và dạy học tại đây.
Trong niên học 1964 - 1965, tại B'Lao, Trịnh Công Sơn đã sáng tác nhiều ca khúc tạo được dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của ông, trong đó có các nhạc phẩm Ướt mi, Chiều một mình qua phố, Vết lăn trầm…
"Do đó, TP.Bảo Lộc đang cho rà soát, chọn tuyến đường đẹp, phù hợp để đặt tên đường Trịnh Công Sơn, như một ghi nhận về nhạc sĩ tài hoa đã có thời gian gắn bó với xứ trà Bảo Lộc", ông Đồng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc cho biết thêm, thành phố đang xây dựng các chương trình chào mừng 30 năm đô thị Bảo Lộc (thành phố loại 3, được xây dựng và phát triển từ ngày 11.7.1994), với nhiều hoạt động văn hóa, kinh tế để quảng bá và thu hút du khách như: Sáng tác biểu trưng của TP.Bảo Lộc, hội thi và trưng bày hoa lan Bảo Lộc 2024, trình diễn thời trang tơ lụa Bảo Lộc; giới thiệu sản phẩm, trình diễn nghệ thuật ẩm thực trà B'Lao…
Bảo Lộc cũng đang hoàn thiện đề án phát triển phố đêm ở khu vực hồ Đồng Nai thượng và Đồng Nai hạ. Bên cạnh đó, với việc trồng hàng ngàn cây phượng vàng, Bảo Lộc hướng tới trở thành "thành phố hoa phượng vàng".
Xưa nay Bảo Lộc được biết đến là thủ phủ dâu tằm, tơ lụa; của trà hương B'Lao và cà phê. Hiện nay TP.Bảo Lộc đang tập trung phát triển sản phẩm hoa lan, đặc biệt là phong lan vì vùng đất này có khí hậu thuận lợi nhất cả nước để trồng hoa lan. Nhiều năm qua, Chi hội hoa lan Bảo Lộc đã có hơn 500 tác phẩm dự thi và hầu hết đều đạt các giải thưởng trong các cuộc thi ở TP.Đà Lạt, TP.HCM và toàn quốc. Do đó, TP.Bảo Lộc thành lập Hội Hoa lan Bảo Lộc, đồng thời đầu tư kinh phí 300 triệu đồng để xây dựng thương hiệu "Phong lan Bảo Lộc".