>> Chất lượng có vấn đề, xe điện của BYD có chinh phục được khách hàng Việt?

BYD bắt đầu sản xuất ô tô từ năm 2003 với xe xăng, đến năm 2022 bỏ xe xăng, chỉ còn xe điện và hybrid. Năm 2023, BYD là hãng xe điện hóa bán chạy nhất thế giới, với doanh số hơn 3 triệu xe toàn cầu. Tuy nhiên, doanh số lớn vẫn tại thị trường Trung Quốc với gần 2,6 triệu, xuất khẩu chỉ 400.000 xe.

Người Trung Quốc thì tự hào về BYD nhưng ra khỏi biên giới, thương hiệu này vẫn khá xa lạ. Tuy thành công ở quê nhà, song BYD đang gặp thách thức khi mở rộng thị trường ra thế giới.

Năm 2023 BYD đẩy mạnh xuất khẩu xe điện sang châu Âu. Tuy nhiên, chất lượng có vấn đề. Theo Wall Street Journal, ô tô điện BYD tại châu Âu bị nấm mốc nội thất. Vấn đề không phải là sự tồn tại của nấm mốc, loại nấm thường phát triển trong ô tô được vận chuyển trên quãng đường dài, mà là lo ngại các phương tiện này đã không được xử lý chuyên nghiệp bằng quy trình ion hóa để loại bỏ hoàn toàn bào tử. Xe xuất khẩu từ Trung Quốc cần phải sửa chữa nhiều lần khi đến nơi.

Ô tô điện BYD mang lại những giá trị gì cho người tiêu dùng Việt Nam?

Khách hàng nước ngoài đón nhận xe BYD, giống như "đến một nhà hàng đẳng cấp nhưng phát hiện đĩa thức ăn bị sứt mẻ".

Tại các thị trường khác cũng tương tự. Ở Nhật Bản các mẫu xe của BYD bị móp méo, trầy xước, nhiều bộ phận phải thay thế mới đáp ứng được tiêu chuẩn địa phương. Ở Thái Lan, chất lượng xe điện BYD cũng đối mặt với nhiều khiếu nại, do bong tróc sơn và nhựa. Trong khi tại Israel, nơi doanh số bán xe điện rất cao, xe BYD bị tố cong vênh do sức nặng của giá nóc. Chính một giám đốc điều hành của BYD đã mô tả việc khách hàng nước ngoài đón nhận xe BYD, giống như "đến một nhà hàng đẳng cấp nhưng phát hiện đĩa thức ăn bị sứt mẻ".

Tại Việt Nam, hợp tác giữa New Energy Holdings, công ty con của Tasco Auto để phát triển hệ thống đại lý đã bị hủy bỏ. Nhiều đại lý bán xe BYD tại Việt Nam do New Energy Holdings đầu tư đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhân sự đã được tuyển dụng, vậy nhưng bất ngờ hủy ngang, với lời giải thích khá mơ hồ là do “điều chỉnh chiến lược kinh doanh, không muốn đầu tư quá dàn trải”. Giới kinh doanh ô tô cho rằng, nếu là một dự án có tiềm năng thì chẳng doanh nghiệp nào lại từ bỏ như vậy. Chỉ có thể thấy quá nhiều rủi ro, mới vội vàng rút lui.

Tại Trung Quốc BYD là hãng xe có nhiều đại lý bị cháy nhất trong thời gian qua. Theo thống kê từ đầu năm 2021 đến nay có 10 đại lý BYD bị cháy. Một vài lời tếu táo đùa rằng, có thể do sợ bị cháy đại lý, nên New Energy Holdings không dám làm nhà phân phối cho BYD tại Việt Nam nữa.

Ô tô điện BYD mang lại những giá trị gì cho người tiêu dùng Việt Nam?

Hình ảnh vụ cháy showroom của BYD tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) tháng 5/2024.

Khi vào Việt Nam, BYD đặt mục tiêu cạnh tranh với xe chạy bằng xăng, dầu. Tại Việt Nam ô tô chạy bằng xăng dầu có giá bán cao, do thuế phí cao. Nếu BYD ấn định giá bán tương đương, thì rất khó chinh phục được khách hàng. Người tiêu dùng sẽ chọn mua xe thương hiệu Hàn, Nhật, Mỹ không mua xe Trung Quốc. Còn bán rẻ quá thì lại e ngại về chất lượng. Đấy là chưa kể đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với các hãng xe Trung Quốc rất thấp.

Không những thế, đại diện BYD còn cho biết, gia nhập thị trường Việt Nam sẽ tập trung vào bán hàng, không phát triển hạ tầng trạm sạc như VinFast. Khách hàng mua xe BYD giai đoạn đầu có thể sạc tại nhà, tại trạm sạc nhanh ở đại lý và của bên thứ 3. Theo quan điểm của BYD, trạm sạc là mảng kinh doanh rất riêng, đây là cơ hội cho bên thứ 3. Nếu thị trường đón nhận tốt xe điện thì hạ tầng tự khắc sẽ phát triển theo.

Hạ tầng sạc điện là bài toán cần giải quyết tốt thì ô tô điện mới có thể phát triển. BYD chờ đợi bên thứ 3 phát triển hạ tầng sạc tại Việt Nam thì chẳng biết đến bao giờ mới phủ kín. Chính sách phát triển hạ tầng sạc cho xe điện tại Việt Nam chưa hoàn thiện và thiếu các quy định cụ thể, nên triển khai rất khó khăn. Trong khi đó, tại các khu dân cư đông đúc, các tòa nhà chung cư, hiện có tâm lý e ngại, không muốn lắp trạm sạc điện, vì lo ngại cháy nổ. Còn các đơn vị phát triển trạm sạc không được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi hay khuyến khích gì, đều phải “tự thân vận động”; nhận được những sự thiếu hợp tác trong việc tìm kiếm vị trí đặt trạm sạc…

Để thành công, BYD phải thuyết phục khách hàng Việt Nam vượt qua sự dè dặt, khi mua sản phẩm của mình và mang lại giá trị vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh. Thách thức này vô cùng lớn, liệu BYD có thể vượt qua?