“Vòng xoáy” suy thoái

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tiêu thụ xe máy của 5 doanh nghiệp thành viên nửa đầu năm 2024 đạt 1,22 triệu chiếc. VAMM có 5 thành viên, đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bao gồm: Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam, SYM Việt Nam, Việt Nam Suzuki và Piaggio Việt Nam, chiếm trên 90% thị phần xe máy cả nước.

Ngoài các thành viên VAMM, còn nhiều doanh nghiệp khác tham gia sản xuất xe máy điện như: VinFast, DatBike, Pega, Yadea, Detech...

Ước tính tổng tiêu thụ xe máy cả nước nửa đầu năm 2024 đạt khoảng 1,4 triệu chiếc.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, có 1.455.000 chiếc xe máy mới được xuất xưởng, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2023. Cộng với hơn 300.000 xe tồn kho từ 2023 chuyển sang (năm 2023 sản lượng xe máy sản xuất đạt 3.145.200 chiếc, tiêu thụ khoảng 2,8 triệu chiếc, tồn kho hơn 300.000 chiếc). Cộng với số xe máy nhập khẩu nguyên chiếc, ước tính tổng nguồn cung đang cao hơn cầu trên 400.000 chiếc.

Theo số liệu của VAMM, quý I/2024 doanh số bán xe máy của 5 doannh nghiệp thành viên đạt 603.745 chiếc và quý II/2024 đạt 603.127 chiếc, tức là “đi ngang”, không có tăng trưởng.

Công ty Honda Việt Nam giữ vị trí dẫn đầu thị trường xe máy Việt Nam với khoảng 80% thị phần; quý II/2024 bán ra 475.630 xe, giảm 6,9% so với quý I/2024 và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2023. Cộng dồn nửa đầu năm 2024, Honda Việt Nam bán ra 957.885 xe máy, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu khiến sức mua suy yếu. Bên cạnh đó, thị trường xe máy đang bão hòa, xe máy truyền thống ít có những mẫu mã, sản phẩm mới, dẫn đến sự nhàm chán, nhất là với những khách hàng trẻ. Cùng với đó, dịch vụ gọi xe công nghệ ngày càng tiện dụng, giá cạnh tranh… đã làm thay đổi nhu cầu về phương tiện đi lại.

Nhu cầu giảm, tồn kho cao, xe máy chưa thoát khỏi “vòng xoáy” suy thoái

Ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra ngày càng nặng nề. (Ảnh minh họa)

Khảo sát tại thị trường tại Hà Nội những ngày đầu tháng 7/2024 cho thấy, giá bán lẻ nhiều mẫu xe máy ăn khách của Công ty Honda Việt Nam đã giảm sâu. Chẳng hạn giá bán xe Honda Lead tại các đại lý hiện nay dao động từ 39 đến 42 triệu đồng, tùy từng phiên bản. Giá này thấp hơn giá đề xuất từ 550.00-750.000 đồng. Trong khi đó trước đây giá xe thường chênh cao hơn giá đề xuất từ 3-5 triệu đồng.

Honda SH 350i đang được đại lý bán với giá 120 triệu đồng, giảm khoảng 30 triệu đồng so với giá đề xuất. Còn Honda SH 125i dao động trong khoảng 72 - 82,5 triệu đồng, tùy từng phiên bản, thấp hơn mức đề xuất từ 1 - 2 triệu đồng, trong khi trước đây các đại lý thường bán cao hơn giá đề xuất từ 7-10 triệu đồng.

Honda Winner X có 3 phiên bản với giá bán đề xuất là 46,16 triệu đồng, 50,06 triệu đồng và 50,56 triệu đồng; nhưng giá bán thực tế tại các đại lý thấp hơn từ 7,56 triệu đồng - 10,06 triệu đồng.

Khách hàng mua xe Honda Future 125, Honda Wave 110, Honda Vario 160… đang được các đại lý ưu đãi tặng quà lên đến hàng triệu đồng…là chuyện hiếm có từ trước tới nay.

Motorcycles Data, chuyên trang thống kê dữ liệu xe máy toàn cầu cho biết, thị trường xe máy Việt Nam nửa đầu năm 2024 vẫn chưa thoát khỏi “vòng xoáy” suy thoái. Phân khúc xe tay ga giảm 5,8%, còn phân khúc xe số giảm 16,1% so với cùng kỳ 2023.

Hạn chế xe máy xăng?

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định, xe máy phải kiểm định khí thải. Theo đó từ 1/1/2025, môtô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) phải thực hiện kiểm định khí thải. Nhiều khách hàng cho biết, quy định này ảnh hưởng tới quyết định mua xe máy của họ. Thay vì mua xe máy xăng, sẽ chuyển sang mua xe máy điện, không lo kiểm định khí thải, tiết kiệm chi phí nhiên liệu và góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, dự báo nhu cầu xe máy xăng sẽ giảm, giá xe khó tăng cao như trước.

Nhu cầu giảm, tồn kho cao, xe máy chưa thoát khỏi “vòng xoáy” suy thoái

Cần xem xét tăng thuế, phí để hạn chế xe máy xăng. (Ảnh minh họa)

Số liệu của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, hiện có khoảng 73 triệu xe máy đăng ký lưu hành, trong đó xe máy xăng khoảng 70 triệu chiếc. Doanh số bán xe máy xăng mới hàng năm ở Việt Nam đạt khoảng 2,5 triệu chiếc. Sử dụng càng nhiều xe máy xăng thì càng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Lấy ví dụ, một chiếc xe máy được coi là tiết kiệm xăng nhất hiện nay, sẽ tiêu tốn khoảng 1,6 lít/100km. Trong khi đó, mỗi lít xăng thải ra hơn 2kg CO2 (carbon dioxide) vào khí quyển. Với hàng chục triệu xe máy lưu hành mỗi ngày mức độ gây ô nhiễm môi trường vô cùng lớn.

Dự báo xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính tại Việt Nam trong nhiều năm nữa. Với mức tiêu thụ bình quân gần 2,5 triệu xe máy xăng/năm, là con số rất cao. Vì vậy, việc kiểm soát khí thải xe máy là cần thiết nhằm giảm lượng phát thải, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một số ý kiến cho rằng, ngoài giải pháp về kiểm soát khí thải xe máy, các cơ quan chức năng cần xem xét các nhóm giải pháp khác như: tăng thuế, phí để hạn chế xe máy xăng; khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện, cùng các phương tiện giao thông công cộng.