“Chìa khóa” để vượt qua những rào cản phổ biến ô tô điện tại Việt Nam nằm ở đầu tư cơ sở hạ tầng. Tức là phát triển ô tô điện đồng nghĩa với việc phải đầu tư các trạm sạc. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều rào cản khiến đầu tư trạm sạc gặp khó khăn.
Để thu hút người dân chuyển đổi sang xe điện, cần đảm bảo khả năng đáp ứng đầy đủ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng thuận tiện. GS TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tổng vốn đầu tư cho trạm sạc xe điện tại Việt Nam đến năm 2050 cần tới hơn 90 tỷ USD để góp phần đưa phát thải ròng về 0.
Hiện nay, ngoài hãng xe VinFast tiên phong đầu tư hàng trăm triệu USD vào hệ thống các trạm sạc thì các hãng xe khác vẫn chờ đợi vào đầu tư của bên thứ 3, dù đã mở bán xe điện ra thị trường.
Ông Nguyễn Đắc Hưng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp sạc xe điện iCharge cho rằng, khó khăn lớn nhất trong đầu tư trạm sạc là chi phí rất lớn. Hiên nay, đầu tư cơ bản cho trạm 60-80Kw là hơn 700 triệu đồng và cho trạm 120 Kw là 1,2 tỷ đồng. Ngoài chi phí cố định này, còn các chi phí khác chưa ước tính được gồm đấu nối hạ tầng điện, giấy phép xây dựng, tiền thuê mặt bằng...
Cùng với đó, còn nhiều bất cập và rào cản, khiến các doanh nghiệp chưa thể đầu tư mạnh mẽ vào trạm sạc. TP Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm tiêu thụ ô tô điện lớn nhất cả nước, nhưng đầu tư cho trạm sạc tại đây hiện gặp nhiều khó khăn. Các nhà đầu tư trạm sạc xe điện tại TP Hồ Chí Minh cho biết, khi đăng ký địa điểm kinh doanh trạm sạc xe điện tại nơi công cộng, phải được Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư phản hồi, rồi phải chờ phản hồi của các sở ban ngành khác và chính quyền địa phương tại nơi đặt trạm sạc. Doanh nghiệp không biết chờ đến khi nào, vì vậy rất bị động trong việc thực hiện dự án, trong khi đơn vị cho thuê mặt bằng làm trạm sạc lại hối thúc.
Không những thế, mạng lưới điện cũng chưa được thiết kế để đáp ứng nhu cầu sạc đồng thời của nhiều xe điện, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư. Các chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào hạ tầng trạm sạc cũng chưa có. Theo tính toán, nếu áp dụng đơn giá điện kinh doanh cho trạm sạc thì các doanh nghiệp đầu tư gần như không có lãi, thậm chí có thể lỗ vốn.
Dự báo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, đến năm 2030 số lượng ô tô điện tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 1 triệu xe và đến năm 2040 là 3,5 triệu xe. Với khuyến khích chuẩn của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) là 10 xe điện/trạm sạc, ước tính Việt Nam cần từ 100.000 - 350.000 trạm sạc trong 15 năm tới. Hiện tại, số lượng trạm sạc xe điện trên cả nước nhiều nhất vẫn là do doanh nghiệp VinFast đầu tư, với tổng số khoảng hơn 3.000 trạm và 150.000 cổng sạc, nhưng không chia sẻ cho các hãng xe khác.
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho rằng: để chuyển đổi sang xe điện thành công thì yếu tố tiên quyết là hạ tầng trạm sạc. Chính phủ nên tập trung vào hỗ trợ xây dựng các trạm sạc trước tiên.
Chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về triển khai chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc xe điện, sáng ngày 6/8/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo, cần có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư trạm sạc điện về đất đai, quy hoạch, thuế, phí, cũng như cơ chế tính giá điện trên nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng xe điện.
Như vậy, chuyển đổi sang giao thông xanh của Việt Nam không chỉ cần một nguồn lực lớn từ các nhà đầu tư, mà rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ trong thời gian tới. Trong đó cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và khuyến người dân chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang các loại xe sử dụng năng lượng sạch, như xe điện.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...