>>Chi cả chục tỷ đồng sở hữu biển số ô tô đẹp, chuyện thật hay đùa?
Biển số đẹp đại hạ giá
Tại phiên đấu giá ngày 21/9, biển số ngũ quý 2 của Nghệ An là 37K – 222.22, có giá trúng đấu giá 810 triệu đồng. Đây là biển số hiếm và khá đẹp nhưng mức trúng đấu giá khiến nhiều người bất ngờ. Đến phiên sáng 22/9 mọi chú ý đều dồn vào 2 biển số 51K-868.68 và 51K-777.77 của thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả, biển số 51K-868.68 đã có người giá trúng là 4,86 tỉ đồng, còn biển 51K-777.77 là 3,64 tỉ đồng. Mức giá trúng những biển số này thấp quá xa so với 3 biển số đẹp đấu giá ngày 15/9 là 51K-888.88 giá 32,34 tỷ đồng, 30K – 555.55 giá 14,12 tỷ đồng và 30K-567.89 giá 13,075 tỷ đồng, tổng cộng là 59,535 tỷ đồng chiếm hơn 70% số tiền của cả phiên đấu giá.
Theo Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), đến ngày 20/9 đã có 3 biển số xe đẹp được người trúng đấu giá nộp đủ tiền. Còn 8 biển số chưa nộp tiền, trong đó có 3 biển số 51K – 888.88, 30K – 555.55 và 30K – 567.89.
Thông tin biển số đẹp trúng đấu giá các phiên sau thấp xa so với phiên đầu tiên, càng làm dấy lên những nghi ngờ trong dư luận, về mục đích thực của những người đã trả giá “trên trời” cho 3 biển số đẹp kể trên.
Theo quy định, nếu quá 15 ngày mà người trúng đấu giá không nộp tiền vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an, thì kết quả trúng đấu giá sẽ bị huỷ và số tiền đặt cọc 40 triệu đồng/biển số, sẽ không được hoàn trả lại. Ngoài quy định đó ra thì không có chế tài nào khác.
Trong khi đó, theo quy định, biển số trúng đấu giá sẽ được định danh cho người tham gia đấu giá, phải gắn với ô tô thuộc sở hữu của người này, không được mua bán lại. Người sở hữu biển số đẹp chỉ có thể thực hiện việc chuyển nhượng thông qua việc bán cả xe và biển trúng đấu giá cho chủ nhân thứ 2. Người mua phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe và sẽ được đăng ký, giữ nguyên biển số trúng đấu giá. Tuy nhiên, người chủ thứ 2 sở hữu xe kèm theo biển số trúng đấu giá này, không được chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển trúng đấu giá cho người thứ 3, mà chỉ được bán riêng xe.
Quy định này khiến việc mua bán biển số đẹp bị hạn chế rất nhiều. Muốn bán lại những biển số trúng đấu giá hàng chục tỷ đồng, việc kiếm được người mua thứ hai trả giá cao hơn không hề dễ dàng. Còn giữ lại làm sở hữu của riêng thì trên thực tế nó cũng chỉ là dãy số. Trong khi đó, một cá nhân lại sở hữu tới 2 biển đẹp, 1 tại Hà Nội, 1 tại Tp Hồ Chí Minh, với số tiền trúng đấu giá lên tới hơn 45 tỷ đồng, càng khiến nhiều người thấy bất thường, khó hiểu.
Nhiều nghi ngờ
>>Biển số đẹp giá “trên trời”… sắp hết thời?
Vì vậy, dư luận đang hồi hộp và tò mò chờ đợi, không biết liệu những người trúng đấu giá biển số với số tiền “khủng” có đến nộp đúng thời hạn? Nếu không nộp thì họ cũng chỉ mất 40 triệu đồng tiền đặt cọc cho 1biển số.
Trong khi đó, lời bàn tán ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. “Nhà có nhiều xe thì mua cùng đầu số. Ai lại mua 1 đầu 51K, 1 đầu 30K. Nhiều khả năng là muốn bán lại biển đẹp kiếm lời”. “Đã trót đẩy giá lên hàng chục tỉ đồng rồi thì cứ đấu cho thật hăng, cho thật đã đời, chán không mua cũng chỉ mất 40 triệu đồng thôi, chứ có mất tiền tỉ đâu mà lo”. “Có trong tay hàng chục tỷ đồng thì mua 1 cái xe sang hay biệt thự còn ý nghĩa hơn là sở hữu 1 dẫy số”.
Không chỉ trong đấu giá, mà cả việc tài trợ trên sóng truyền hình cũng vậy, nhiều kẻ lợi dụng kẽ hở để làm thương hiệu, để nổi tiếng không tốn tiền quảng bá. Trước đông đảo mọi người thì hứa tài trợ những khoản lớn nhưng sau rồi thì “bùng”. Bỏ 40 triệu đồng để được nổi tiếng thì cũng phải quá đắt, các ý kiến nhận xét.
Thậm chí có cả “thuyết âm mưu” nữa. Mục đích của “dân cò” cũng chỉ là tiền mà thôi. Chúng có thể kiếm mấy “con tốt thí” để diễn trò. Đâu có ai thừa tiền mà đi mua mấy con số hàng chục tỷ đâu. Cọc có 40 triệu đồng thì dân buôn xe số đẹp hoàn toàn có thể góp tiền lại nộp, rồi cử người đại diện tham gia để làm giá ảo cho nóng thị trường lên. Đấu giá cũng có chuyện phá nhau, kê giá cao thật cao để không ai mua được. Kênh đấu giá cũng là cách để “rửa tiền”, chuyển tiền không nguồn gốc vào đấu giá rồi hợp thức hóa nguồn gốc dòng tiền. Sau nhiều lần làm thì “tiền bẩn”, nguồn gốc mơ hồ đã thành tiền sạch có nguồn gốc…
Có những bàn luận khá hài hước cho rằng, “mua biển số hàng chục tỷ đồng về gắn cho con Kia Morning thì oách phải biết”. “Kiểu gì thì ngân sách cũng được 40 triệu đồng rồi…”
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khả năng “bùng” hay bỏ cọc thực tế đã xảy ra trong không ít cuộc đấu giá. Điển hình nhất là vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (tp Hồ Chí Minh) vừa qua, do đó cần phải xem xét nghiêm túc và có những quy định phù hợp để ngăn chặn hiện tượng này. Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp “bùng” khi trúng đấu giá. Chẳng hạn ngoài việc phạt tiền cọc, có thể thêm cơ chế xử phạt số tiền 3 – 5% của tổng số tiền trúng đấu giá, cấm tham gia các cuộc đấu giá khác…
Một số ý kiến cho rằng, đấu giá phải chia làm 2 phiên, người dẫn đầu phiên thứ nhất và những người muốn tiếp tục tham gia phiên thứ 2 phải cọc 30% số tiền chốt giá đóng cửa phiên thứ nhất. Nếu trúng đấu giá mà bỏ không lấy thì mất cọc, có như vậy thì đấu giá mới thực chất và bọn “cò mồi” mới không diễn trò “quân xanh quân đỏ” được.
Tất cả vẫn đang hồi hộp chờ đợi tới ngày 30/9, hạn chót phải nộp tiền trúng đấu giá để nhận biển số xe, mới biết thực hư như thế nào.