>> Hơn 72 triệu xe máy xăng ra đường, ô nhiễm nặng nề, chuyển nhanh sang xe máy điện
Nhiều xe máy xăng, ô nhiễm nặng nề
Theo chuyên trang thống kê dữ liệu xe máy toàn cầu Motorcycles Data, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường xe máy lớn nhất thế giới. Doanh số xe máy tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 đạt 904.684 chiếc, tuy có giảm 6,4% so với cùng kỳ 2023 nhưng không đáng kể. Ước tính cả năm 2024 sẽ đạt gần 3 triệu xe các loại.
Motorcycles Data cho biết, hiện tại hơn 2/3 người dân sống ở Việt Nam sở hữu xe máy hai bánh và hơn 90% hộ gia đình có xe máy. Việt Nam là thị trường quan trọng của ngành xe máy thế giới.
Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải, hiện Việt Nam có khoảng 73 triệu xe máy xăng đang lưu hành, bình quân đạt gần 1,5 người/xe. Nếu năm 2013 cả nước mới có 37 triệu xe máy các loại đăng ký lưu hành thì đến nay, đã tăng gấp 2 lần. Hơn 90% thị phần xe máy tại Việt Nam thuộc về 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM. Trong đó, Honda chiếm thị phần áp đảo đến hơn 80%.
Sử dụng càng nhiều xe máy xăng thì càng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng khí thải CO2 (cacbon dioxit) của Việt Nam hiện nay là 500 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp giảm phát thải, lượng CO2 có thể tăng gấp đôi lên tới 900 triệu tấn. Đây là mức độ tăng rất cao. Trong đó có tỷ lệ “đóng góp” lớn từ các phương tiện giao thông vận tải.
Nghiên cứu của Đại học Bách Khoa tp Hồ Chí Minh vào năm 2015 tại tuyến đường: An Sương, Cộng Hòa, Bến Bạch Đằng (tp Hồ Chí Minh) cho thấy, lượng tiêu hao nhiên liệu, tính theo hành khách/km trong 1 ngày của xe gắn máy cao gấp 92 lần so với xe bus. Thiệt hại do lãng phí nhiên liệu khoảng 5.472 tỷ đồng/năm.
Đấy là chưa kể tới tác hại gây ra cho môi trường. Kết quả của việc đốt cháy nhiên liệu động cơ, là các phản ứng cháy không hoàn toàn, sản sinh ra nhiều sản phẩm trung gian và nhiều tạp chất, phát tán vào môi trường như cacbon, sunphua, nitơ, lưu huỳnh và các hợp chất kim loại như chì… rất độc hại.
Tại Việt Nam, ước tính hàng năm, xe máy “đốt” hơn 5 tỷ USD xăng, thải ra một lượng khí thải khổng lồ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe người dân, “góp phần” đưa đất nước lọt vào danh sách những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới.
Lợi nhuận béo bở doanh nghiệp nước ngoài hưởng
Với gần 30 năm phát triển và được ưu đãi quá nhiều, đã mang lại rất nhiều lợi nhuận béo bở cho các doanh nghiệp sản xuất xe máy xăng FDI. Không những thế, các doanh nghiệp FDI còn thao túng thị trường. Một vấn đề nhức nhối kéo dài hơn 20 năm trên thị trường xe máy Việt Nam, đó là câu chuyện bán xe “hai giá”, chủ yếu thuộc về các sản phẩm của Công ty Honda Việt Nam.
Đầu tiên là vào năm 1999, khi mẫu Honda Future ra đời, rồi tiếp đến là Wave Alpha và đặc biệt là sau này, với các mẫu xe tay ga như Click, Air Blade, Leed, Vision, SH... Hầu hết các mẫu xe của Honda Việt Nam, đều được các đại lý nâng giá bán chênh cao hơn so với giá đề xuất. Hơn 20 năm qua, tình trạng xe máy Honda bị "chênh giá", đặc biệt vào thời điểm cuối năm, đã trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Với thu nhập hiện nay, không ít người tiêu dùng Việt Nam phải mất vài năm tiết kiệm mới đủ tiền để “lên đời” một chiếc xe tay ga. Tuy nhiên, đến đại lý lại bị “chặt chém” thêm vài triệu tới vài chục triệu đồng, khiến cho họ không khỏi bức xúc. Không chỉ khách hàng bức xúc vì phải mua xe với giá "cắt cổ", mà Nhà nước còn bị thất thu một khoản thuế, phí đáng kể. Đó là các khoản như lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… của số tiền bán chênh giá được các đại lý để ngoài sổ sách.
Để đạt cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đòi hỏi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Với lĩnh vực giao thông, xe sử dụng năng lượng điện đóng vai trò cốt lõi. Tuy nhiên, 5 doanh nghiệp xe máy xăng FDI chẳng có ý định chuyển đổi. Việc chuyển đổi sang xe máy điện có thể là một “ván cược” đầy rủi ro với họ. Coi như phải làm lại từ đầu, chi phí dành cho phát triển, sản xuất và thương mại sẽ đội lên nhiều lần, đối mặt với nguy cơ giảm doanh số, giảm thị phần. Vì vậy, cứ tập trung vào xe xăng để kiếm lợi nhuận, mặc kệ ô nhiễm môi trường và cũng chẳng phải chịu bất kỳ sức ép nào về chuyển đổi.
Theo các chuyên gia kinh tế, ban hành chính sách khuyến khích chuyển đổi nhanh sang xe máy điện, không chỉ là giải pháp làm giảm ô nhiễm môi trường mà còn mở hướng cho sự phát triển của ngành công nghiệp xe máy thời kỳ mới, mở ra cơ hội các doanh nghiệp xe máy của Việt Nam vươn lên.