Công nghiệp ô tô đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đã xây dựng chiến lược với khát vọng có ngành công nghiệp ô tô phát triển, nhưng mục tiêu đó đến nay không thành công. Tuy nhiên, cơ hội “trăm năm có một” lại đang đến, khi thế giới chuyển đổi từ ô tô động cơ đốt trong sang ô tô điện. Đây là cơ hội để Việt Nam viết lại kịch bản cho ngành công nghiệp ô tô và hướng tới quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Dù vậy hình như Việt Nam lại đang chậm chân trong việc đón bắt cơ hội lớn này và câu hỏi “trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta có cần ngành công nghiệp ô tô hay không”? vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
>>Công nghiệp ô tô – Bài 1: Chìa khóa của sự thịnh vượng
>>Công nghiệp ô tô – Bài 2: Khát vọng không thành
>>Công nghiệp ô tô – Bài 3: Mắc sai lầm liên tục, mất cơ hội phát triển
>>Công nghiệp ô tô – Bài 4: Nỗi thất vọng công nghiệp hỗ trợ
Ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Số lượng xe điện sản xuất và tiêu thụ tăng rất nhanh. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Công nghiệp ô tô Trung Quốc, thị trường ô tô chạy bằng năng lượng mới của nước này đã có sự bùng nổ trong năm 2022, với tổng sản lượng đạt 7,058 triệu chiếc, tăng 96,9% so với năm 2021. Doanh số bán ra đạt gần 7 triệu chiếc, trong đó có 5,365 triệu xe chạy hoàn toàn bằng điện, chiếm 25% tổng lượng xe ô tô được bán ra tại Trung Quốc và chiếm hơn 50% tổng lượng xe điện bán ra trên toàn cầu.
Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu về xuất khẩu ô tô điện với gần 500.000 xe trong nửa đầu năm 2023. Hiện tại ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc rất phát triển. Tính cạnh tranh của các thương hiệu ô tô điện lớn của Trung Quốc như SAIC, MG, BYD, Geely ngày càng cao. Các nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc đang chiếm khoảng 40% thị trường xe điện thế giới, đồng thời đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới ở phần còn lại của thị trường châu Á, nhờ ký kết các hiệp định thương mại khu vực.
Là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới, Trung Quốc đã xây dựng các chính sách hỗ trợ, phát triển xe điện một cách có hệ thống và có tầm nhìn dài hạn từ năm 2009. Về cơ bản, có 3 nhóm chính sách đó là ưu đãi cho nhà sản xuất; trợ cấp người mua xe; hỗ trợ phát triển hạ tầng xe điện và các thủ tục hành chính ưu tiên xe điện.
Động lực chính thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ được cho là đến từ các khoản tài trợ “hào phóng” của chính quyền. Cụ thể, ngay từ năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một khoản tài trợ gần 47 tỷ USD phục vụ riêng cho sản xuất và tiêu dùng xe điện, trong thời hạn 5 năm.
Chính phủ trợ cấp cho doanh nghiệp dựa trên doanh số bán hàng. Tức là doanh số bán hàng càng cao thì mức hỗ trợ càng hấp dẫn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có trợ giá với sản phẩm dựa theo dung lượng pin. Cụ thể, xe ô tô thuần điện có phạm vi chạy trên 400 km sẽ được trợ giá 3.600 USD, từ 250 – 400km được nhận 2.600 USD, dưới 250km không được trợ giá…
Từ năm 2017 Trung Quốc áp dụng một hệ thống chấm điểm dành cho ngành công nghiệp ô tô. Theo đó sẽ thưởng điểm cho các hãng sản xuất chế tạo xe năng lượng sạch và trừ điểm các hãng chế tạo ra các mẫu xe tiêu tốn nhiên liệu. Những chiếc ô tô đến từ các hãng sản xuất có điểm số âm có thể bị loại khỏi thị trường. Qua đó khuyến khích doanh nghiệp hướng vào xe năng lượng sạch.
Với người tiêu dùng, Chính phủ Trung Quốc đã có chương trình hỗ trợ kéo dài. Khách hàng mua xe điện sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp lên tới 60.000 Nhân dân tệ (khoảng 197 triệu đồng). Bên cạnh đó, còn có rất nhiều chương trình ưu đãi thuế. Chẳng hạn như chương trình giảm thuế 10% đối với các giao dịch mua xe năng lượng sạch có giá dưới 300.000 nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ đồng). Trong giai đoạn từ 2009-2022 Chính phủ Trung Quốc đã chi hơn 200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 29 tỉ USD) dành riêng cho các khoản trợ cấp và giảm thuế cho xe điện, nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện.
>>Công nghiệp ô tô – Bài 5: Lý do giúp ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản “nhảy vọt”
>>Công nghiệp ô tô – Bài 6: Câu chuyện Vinamotor
>>Công nghiệp ô tô – Bài 7: Làm ô tô thương hiệu Việt, doanh nghiệp quá đơn độc
>>Công nghiệp ô tô – Bài 8: Xe điện cơ hội trăm năm có một
>>Công nghiệp ô tô – Bài 9: Kỷ nguyên xe điện, xây dựng nền tảng để “cất cánh”
Song song với đó là áp dụng một số giải pháp hạn chế liên quan tới xe chạy bằng năng lượng ô nhiễm. Nhiều thành phố tại Trung Quốc đã thực hiện đấu giá hoặc quay số để lấy biển số xe mới. Chẳng hạn tại Bắc Kinh biển số ô tô được cấp thông qua quay số. Ai trúng số mới được đăng ký xe. Tuy nhiên, với xe điện được ưu tiên, không phải quay số, được cấp biển ngay, không những thế lại còn được giảm 50% phí đăng ký xe…
Để người dân có thể quen và dần chấp nhận xe điện, sự phát triển cơ sở hạ tầng và các chính sách ưu đãi cũng đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, tại Trung Quốc, cơ sở hạ tầng dành cho xe điện dễ dàng tiếp cận với đại đa số dân cư. Thị trường hạ tầng sạc điện phát triển rất đa dạng, với hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực vận hành các loại trụ sạc điện. tính đến nay tại Trung Quốc đã có gần 7 triệu trạm sạc dành cho xe điện lớn hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Các trạm sạc điện được Chính phủ hỗ trợ đã làm giảm phí đối với người sử dụng xe điện. Tiêu chuẩn về sạc xe điện cũng được xây dựng thống nhất. Nhờ vậy, người dân có thể sử dụng cùng một loại ổ sạc.
Thời gian đầu, (từ 2009-2013) Trung Quốc chưa đạt được thành tựu nào nổi bật, không những thế, chính sách tài trợ hào phóng còn bị trục lợi. Nhiều doanh nghiệp đã gian dối để được nhận tiền trợ cấp. Chính phủ Trung Quốc phải thay đổi hàng loạt chính sách hỗ trợ đối với xe điện như: áp dụng điều kiện về doanh số bán, đòi hỏi tiêu chuẩn về kỹ thuật cao hơn…Nhờ những chính sách uyển chuyển, những điều chỉnh hợp lý, Trung Quốc đã đạt được thành công trong việc phát triển ngành công nghiệp xe điện.