Theo truyền thông Hà Lan, một tập đoàn gồm các doanh nhân và doanh nghiệp có trụ sở tại Rotterdam (Tập đoàn Rotterdam) thông qua đơn vị trung gian đã tìm cách mua lại những chiếc BMW trục vớt ở vụ cháy tàu Fremantle Highway từ một công ty bảo hiểm ở Đài Loan. Nhóm này sau đó đã tân trang và dự định bán lại những chiếc BMW này để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối đến từ chính hãng xe BMW.
Sau khi biết rằng những chiếc BMW trục vớt từ vụ cháy tàu Fremantle Highway rao bán vào cuối năm 2023, BMW đã lập tức vào cuộc ngăn chặn bằng cách nộp đơn xin lệnh cấm lên cơ quan chức năng vào tháng 12 năm ngoái. Hãng xe Đức đã nêu ra những lo ngại về an toàn nếu những chiếc xe này được bán lại để sử dụng. Bên cạnh đó, động thái này còn nhằm mục đích tránh những tổn hại về danh tiếng nếu có bất kỳ vấn đề nào phát sinh với những chiếc xe này.
Sau 6 tháng chờ đợi, mới đây tập đoàn Rotterdam đã yêu cầu tòa án ở The Hague dỡ bỏ lệnh cấm. Tập đoàn Rotterdam muốn bán những chiếc BMW ngay lập tức và khẳng định những chiếc xe này không bị hư hỏng lớn, đa phần vẫn còn nguyên vẹn và chỉ bị bám muội than.
Tuy nhiên, phía BMW lại có quan điểm khác. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho BMW lập luận rằng: "Những rủi ro đó không nên bị đánh giá thấp. Hệ thống dây điện, sơn và các thành phần kim loại trên những chiếc BMW được trục vớt từ vụ cháy tàu Fremantle Highway đã bị ảnh hưởng bởi đám cháy, khiến những chiếc xe trở nên không an toàn".
Bên cạnh đó, luật sư bảo vệ quyền lợi cho BMW cũng chỉ ra rằng, Audi và Mercedes-Benz cũng đã gửi những chiếc xe trục vớt từ vụ cháy tàu Fremantle Highway đến các cơ sở tái chế.
Trong phiên tòa, tập đoàn Rotterdam đã đề xuất giải pháp bán 260 chiếc BMW ở các quốc gia ngoài châu Âu, những thị trường có tiêu chuẩn về chất lượng ô tô ít nghiêm ngặt hơn. Họ lập luận rằng, điều này sẽ giảm thiểu rủi ro gây tổn hại đến danh tiếng của BMW. Tuy nhiên, BMW vẫn không quan tâm đến giải pháp này. Phán quyết cuối cùng sẽ được tòa án đưa ra vào ngày 15.7 tới đây.