Vì sao nhiều doanh nghiệp không mặn mà với 5G?
Mạng 5G có tốc độ nhanh hơn từ 10 - 100 lần mạng 4G. Nếu mỗi km vuông mạng 4G chỉ có thể đáp ứng được 100.000 kết nối thì với 5G con số này là 1 triệu kết nối. Đây là những con số rất ấn tượng được chia sẻ tại hội nghị đầu tiên của ASEAN về 5G.
Với tốc độ cao cùng khả năng duy trì lượng kết nối lớn, công nghệ 5G được xem như công nghệ nền tảng cho việc phát triển hệ sinh thái số.
Theo ông Hakan Ohlsen - Giám đốc công nghệ radio và băng tần của Tập đoàn Ericsson, nếu môi trường đầu tư thiếu thuận lợi, 5G chỉ là phiên bản có tốc độ cao hơn của 4G. Tuy nhiên nếu được tạo điều kiện thuận lợi tốt, 5G sẽ số hóa mọi ngành công nghiệp. Ước tính của Erisson cho thấy, doanh thu của các nhà mạng có thể tăng tới 36% trong vòng 7 năm tới nhờ sự ra mắt của 5G.
Tuy nhiên, sự bất lợi của Việt Nam và một số nước khác trong khu vực đối với việc thương mại hóa dịch vụ 5G là doanh thu nhà mạng trên mỗi người dùng còn khiêm tốn.
Tỷ lệ này của Việt Nam hiện chưa tới 5 USD, tại Indonesia là 9 USD và tại Malaysia là 10 USD. Trong khi đó, tại các nước phát triển, con số này là 48 USD với Nhật Bản, 23 USD với Đức và 49 USD với Mỹ.
Số liệu phản ánh doanh thu nhà mạng trên mỗi người dùng di động của Việt Nam và một số nước khác trên thế giới.
Đây là một khó khăn rất lớn đối với Việt Nam và nhiều nước khác. Nếu không xử lý được vấn đề này, các nhà mạng hay các công ty sản xuất thiết bị viễn thông sẽ phải đứng trước bài toán khó về việc lựa chọn giữa tối ưu hóa lợi nhuận hay tìm kiếm một lợi ích xa hơn từ việc phát triển mạng 5G.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc triển khai 5G, cần phải tạo ra một hệ sinh thái số nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu của 5G vào đời sống. Theo các chuyên gia, nếu không làm như vậy, sẽ không thể bù đắp được khoản chi phí đầu tư vô cùng lớn cho công nghệ này bởi khi đó 5G chỉ đơn thuần là phiên bản tốc độ nhanh hơn của 4G.
Châu Á và những luồng ý kiến trái ngược về phát triển 5G
Tại Hàn Quốc, đất nước này tập trung vào nhà máy thông minh, y tế thông minh hay đô thị thông minh vì chỉ có những lĩnh vực đó mới tạo được thuận lợi cho nhà mạng thu được lợi nhuận từ 5G.
Chia sẻ chính sách của Thái Lan về phát triển 5G, bà Vunnaporn Devahastin - Phó thư ký thường trực Bộ Kinh tế số và Xã hội (Thái Lan) cho biết, 5G được lên ý tưởng ở Thái Lan từ tháng 6/2018. Mục tiêu của đất nước này là tạo môi trường để tiến tới việc thử nghiệm 5G trong năm 2019 và thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020.
Nhiều thử nghiệm đã được tiến hành với công nghệ 5G ở Thái Lan.
Ở Thái Lan, việc thử nghiệm 5G vào ngành công nghiệp sản xuất và các chuỗi cung ứng được tiến hành trong khuôn viên trường đại học Kasetsart (Kasetsart University Sriracha) ở tỉnh Chon Buri.
Thái Lan còn muốn phát triển các ứng dụng của 5G trong nhiều lĩnh vực khác. Do vậy, bà Vunnaporn Devahastin tin rằng các nước khác sẽ thấy được sự thành công trong việc triển khai 5G tại Thái Lan trong vòng 2 năm tới đây.
Chia sẻ với Pv. VietNamNet, ông Adis Alifiawan - Trưởng phòng quản lý Tần số và Dịch vụ di động mặt đất (Bộ TT&TT Indonesia) cho biết, 5G vẫn còn khá xa lạ với người dân Indonesia.
Hiện Indonesia cũng chưa có kế hoạch và khung thời gian cho việc phát triển 5G. Đất nước này vẫn đang chờ kết quả từ cuộc họp của Hội nghị vô tuyến thế giới (WRC) về việc chuẩn hóa băng tần 5G được tổ chức vào cuối năm 2019.
Tại Việt Nam, thử nghiệm 5G trong năm 2019 và tiến tới việc thương mại hóa dịch vụ này vào năm 2020 là một chủ trương lớn được đưa ra bởi Bộ TT&TT. Hồi tháng 1 năm nay, Viettel đã trở thành nhà mạng đầu tiên của Việt Nam có giấy phép thử nghiệm mạng 5G.
Trong thời gian tới, song song với việc cấp phép thử nghiệm 5G, Bộ TT&TT sẽ tiến hành cấp phép mới tần số 4G, cùng với đó là nghiên cứu lộ trình để tìm ra thời điểm thích hợp tắt sóng dịch vụ 2G hoặc 3G.
Trọng Đạt