Hai bên sẽ tiến hành nghiên cứu chung về các cơ sở điện gió ngoài khơi ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng như các nhà máy năng lượng tái tạo khác.
Theo biên bản ghi nhớ (MoU) mới ký kết, Công ty điện lực nhà nước PLN của Indonesia sẽ hợp tác với Tập đoàn xây dựng điện lực Trung Quốc (PowerChina) để thực hiện một nghiên cứu khả thi chung về triển vọng kinh doanh năng lượng gió ở Indonesia.
Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản (ESDM) ước tính rằng, Indonesia có nguồn năng lượng gió tiềm năng lên tới 155 GW. Tuy nhiên, tính đến năm 2021, chỉ 154,3 MW, tương đương 0,1% tổng tiềm năng, được khai thác sử dụng. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PLN Darmawan Prasodjo cho rằng, việc thăm dò các nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng là rất quan trọng trong việc giúp Indonesia giảm thiểu khủng hoảng khí hậu và lượng khí thải carbon.
Trong một tuyên bố ngày 13/11, ông Darmawan nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ cùng nhau chống lại những thách thức của cuộc khủng hoảng khí hậu. PLN và PowerChina cam kết xây dựng mối quan hệ đối tác bền chặt để biến thách thức thành cơ hội”.
Thỏa thuận cũng chỉ rõ hai bên sẽ tiến hành một nghiên cứu chung về các cơ sở điện gió ngoài khơi ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cũng như các nhà máy năng lượng tái tạo khác, như thủy điện, sinh khối, năng lượng mặt trời và năng lượng sóng.
Ông Ruly Firmansyah, Chủ tịch PLN Nusantara Power – công ty con thuộc PLN, khẳng định: “Chúng tôi có cùng tầm nhìn để thành công trong hành trình chuyển đổi năng lượng. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác này sẽ thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa Indonesia và Trung Quốc trong việc phát triển năng lượng gió và các dạng năng lượng tái tạo khác nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng ở Indonesia”.
Phó Chủ tịch PowerChina Chu Jiayi cam kết phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Indonesia cùng với PLN, bất chấp một số thách thức về địa lý mà quốc gia quần đảo này đối mặt. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi có lịch sử hợp tác lâu dài với PLN. Chúng tôi hy vọng có thể tiến hành thử nghiệm và thực hiện một số chiến lược bổ sung nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo ở Indonesia”.
Indonesia cam kết nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên ít nhất 23% tổng nguồn cung điện vào năm 2025, song công suất bổ sung thực tế trong nhiều năm qua vẫn thấp hơn nhiều so với mức 2 GW mục tiêu hàng năm để đạt được mức tham vọng này.
Dữ liệu của ESDM cho thấy, kế hoạch mua sắm điện (RUPTL) của PLN đặt mục tiêu đạt công suất điện tái tạo quốc gia ở mức 20,92 GW vào năm 2030. Đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Indonesia đạt 527 triệu USD trong nửa đầu năm 2023, chỉ bằng 29,4% mục tiêu cả năm là 1,79 tỷ USD.
Trung Quốc hiện đang nổi lên như một “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất điện gió toàn cầu, với các nhà sản xuất của nước này cung cấp gần 60% công suất lắp đặt trên toàn thế giới vào năm 2022.
Các số liệu do Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu, có trụ sở tại Brussels, tổng hợp cho thấy Trung Quốc chiếm thị phần vượt trội trên cả thị trường năng lượng gió và tấm pin năng lượng mặt trời.
Trong số 15 công ty điện gió hàng đầu thế giới có 10 công ty của Trung Quốc. Tổng cộng, Trung Quốc chiếm 56% công suất lắp đặt, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Thị phần của các doanh nghiệp nước này đã tăng vọt từ mức 37% của năm 2018.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...