Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ điện tử ở Trung Quốc vừa công bố vật liệu đột phá có khả năng tạo ra áo choàng tàng hình.
Vật liệu tạo ra áo choàng tàng hình mà các nhà khoa học phát triển tương tự như trong bộ phim nổi tiếng Harry Potter. Họ đã phát triển một loại vật liệu mới có khả năng thay đổi màu sắc để hòa trộn hoàn hảo với môi trường xung quanh, giống như khả năng ngụy trang của tắc kè hoa.
Trong tự nhiên, tắc kè hoa và bạch tuộc là những sinh vật nổi bật với khả năng ngụy trang để tránh kẻ thù. Tuy nhiên, việc tái tạo khả năng này bằng vật liệu nhân tạo truyền thống thường yêu cầu các hệ thống điện tử phức tạp và tốn kém. Nhóm nghiên cứu đã vượt qua những thách thức này với một công nghệ mới mang tên “sắc màu tự thích ứng” (SAP). Công nghệ này dựa trên một hợp chất phân tử có khả năng tự cấu hình lại khi tiếp xúc với các bước sóng ánh sáng cụ thể, cho phép vật liệu biến đổi màu sắc mà không cần nguồn điện bên ngoài hay thiết bị điện tử phức tạp.
Tương lai đầy hứa hẹn cho loại vật liệu mới
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nhà khoa học Wang Dongsheng, cho biết công nghệ này có thể giúp một cá nhân trở nên “vô hình”. Để chứng minh khả năng của vật liệu, nhóm đã đổ dung dịch SAP vào một hộp trong suốt và đặt nó trong các hộp acrylic có màu sắc khác nhau. Dung dịch đã tự động điều chỉnh màu sắc để phù hợp với môi trường xung quanh, cho thấy tiềm năng biến đổi ấn tượng của nó.
Tiến xa hơn, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm dung dịch SAP trong môi trường tự nhiên với nhiều cây cối và màu sắc. Họ phát hiện rằng thùng chứa có thể thay đổi màu chỉ trong vòng 30 đến 80 giây. Đặc biệt, nhóm đã phát triển một lớp phủ dạng phun có thể áp dụng cho các vật thể rắn, cho phép chúng hòa trộn vào nền trong vòng một phút.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, những vật liệu này mở ra nhiều cơ hội thú vị trong các lĩnh vực như thời trang, mã hóa và công nghệ tàng hình. Chúng cũng có tiềm năng ứng dụng trong quân sự và xây dựng, hoạt động hiệu quả trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt từ -20 độ C đến 70 độ C.
Mặc dù vậy, lớp phủ này vẫn còn một số hạn chế như chưa thể tái tạo mọi sắc thái trong quang phổ khả kiến. Wang thừa nhận rằng tông màu xanh lam và tím vẫn còn khó bắt chước, nhưng nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch mở rộng bảng màu trong các nghiên cứu tiếp theo. Mặc dù vậy, khái niệm cốt lõi của công nghệ này vẫn chứa đựng nhiều tiềm năng, và nhóm cũng đang nỗ lực để tăng tốc độ thay đổi màu sắc và cải thiện khả năng phân biệt bóng mờ.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...