Tạm biệt “chim xanh”. Giờ đây, biểu tượng mới của mạng xã hội Twitter là “X”.
Twitter sẽ trở thành siêu ứng dụng như thế nào?
Tuần này, người dùng trên thế giới đã chứng kiến mạng xã hội Twitter đột nhiên thay logo, với cái tên mới là “X”. Mặc dù tỷ phú Elon Musk tuyên bố muốn phát triển Twitter thành một siêu ứng dụng, tuy nhiên, cho đến giờ, ngoài logo mới thì cái tên Twitter vẫn hiện diện trên tên miền, các bài đăng vẫn được gọi là Tweet. Vậy ông chủ của mạng xã hội này sẽ thực sự biến Twitter thành X như thế nào?
Hình ảnh được CEO Linda Yaccarino chia sẻ trên Twitter về logo mới của mạng xã hội này (Nguồn: @lindayacc)
Thực ra ngay sau khi mua lại Twitter, Elon Musk đã đổi luôn tên công ty này thành X Corp, cho đặt dưới công ty mẹ có tên là X Holdings. Vị tỷ phú này còn tuyên bố rõ ràng: “Mua Twitter là xúc tác để tạo ra X, ứng dụng có đủ mọi thứ”, thể hiện tham vọng ngay từ đầu là sẽ biến Twitter thành một siêu ứng dụng.
Ông Martin Grasser – đồng thiết kế logo “chim xanh” của Twitter – cho biết: “Tôi rất buồn khi phải chia tay với biểu tượng chim xanh. Có vẻ như nền tảng đang thay đổi và họ có một hướng đi mới. Là nhà thiết kế, tôi cũng thường nhận được những cuộc gọi kiểu như: ‘Này, hoạt động cốt lõi của công ty đang thay đổi và chúng tôi muốn báo hiệu điều đó với thị trường’. Và cách thể hiện chính là một logo mới”.
Vậy hướng đi mới của Twitter là gì? Chính là trở thành một siêu ứng dụng như WeChat của Trung Quốc. Siêu ứng dụng là nền tảng tích hợp đa dịch vụ, cung cấp “tất cả trong một”, từ gọi xe, giao nhận hàng, đồ ăn, đi chợ hộ… đến các giải pháp thanh toán thay vì chỉ để nhắn tin, gọi điện…
Người dùng điện thoại thông minh ở châu Á không quá lạ lẫm với thuật ngữ siêu ứng dụng. Tại Việt Nam, các siêu ứng dụng như Grab, Gojek, Be, Zalo, Momo… đều đang được xây dựng theo xu hướng này nhằm phục vụ tất cả nhu cầu của khách hàng chỉ trên một ứng dụng duy nhất.
Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra rằng, đây sẽ là một thách thức lớn đối với Twitter. Ở các nền kinh tế như Mỹ, Liên minh châu Âu và Anh, người dùng có quyền truy cập vào vô số dịch vụ ngân hàng và họ có quyền tự do lựa chọn bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào của Twitter.
Kể từ khi tỷ phú Elon Musk thâu tóm Twitter, hoạt động kinh doanh quảng cáo của nền tảng này đã phần nào đổ bể. Nền tảng này đang chuyển hướng sang hoạt động thanh toán và thương mại để tìm kiếm nguồn thu mới. Tuy nhiên, tính hiệu quả của nó có lẽ phải đợi một thời gian nữa mới có thể xác nhận.
Vì sao Elon Musk muốn biến Twitter thành siêu ứng dụng X
Thực tế, Elon Musk có tình cảm đã lâu với chữ “X”. Một trong những công ty khởi nghiệp đầu tiên mà ông này sáng lập có tên là X.com. Công ty công nghệ vũ trụ của ông có tên là SpaceX. Một mẫu xe thuộc công ty xe điện Tesla của ông có tên là Model X. Còn công ty trí tuệ nhân tạo mà ông mới ra mắt đầu tháng này được đặt tên là xAI. Khi mua Twitter, Elon Musk cũng đổi tên công ty này thành X Corp.
Tỷ phú Elon Musk có tình cảm đã lâu với chữ “X”
Đáng chú ý, công ty X.com mà Elon Musk sáng lập trước đây là công ty công nghệ thanh toán, khởi nguồn từ công ty công nghệ tài chính PayPal. Vậy nên việc xây dựng Twitter thành siêu ứng dụng bao gồm công nghệ thanh toán là sự trở về của Elon Musk với dự định đã có từ thuở khởi nghiệp ban đầu.
Người dân Trung Quốc ưa chuộng siêu ứng dụng
Siêu ứng dụng mà Elon Musk đang muốn Twitter hướng tới giống với siêu ứng dụng nổi tiếng ở Trung Quốc là WeChat. Khởi đầu, WeChat chỉ là nền tảng nhắn tin, sau đó cũng phát triển thêm thành mạng xã hội rồi thêm trò chơi trực tuyến và các tính năng thanh toán.
Chỉ cần tài khoản ngân hàng kết nối với mã quét thanh toán trên điện thoại là người dùng xài thoải mái. Tại Trung Quốc, phổ biến nhất là Alipay và WeChat Pay. Thuận tiện từ nộp tiền tại các cây ATM, thuận tiện thanh toán hầu hết các loại dịch vụ bằng quét mã.
Ông Chu Ngô – người dân thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc – cho biết: “Trong người tôi hôm nay không mang theo đồng tiền mặt nào hết vì bất tiện. Mình cứ dùng điện thoại quét mã Alipay hay WeChat Pay là xong”.
Người dân Trung Quốc chuộng quét mã QR để thanh toán khi mua hàng. (Ảnh: AP)
Các điểm mua bán, nhất là các phố đi bộ, khách hàng thường rất đông. Để việc bán mua nhanh gọn lẹ thì quét mã trả tiền là nhanh nhất, khỏi phải trả lại tiền thừa.
Chị Ngô Thuận bán dưa hấu ở vỉa hè thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu. Mỗi ngày, chị chỉ nhận vài ba chục Nhân dân tệ tiền mặt, tức chừng 100.000 VNĐ.
“Bây giờ, đa phần là mình mặc áo không có túi, đâu có chỗ để tiền. Dùng mã quét quá tiện lợi. Tiền mặt bất tiện” – chị Ngô Thuận chia sẻ.
Tại Trung Quốc, phần nhiều mạng xã hội là đa chức năng. Ngoài chức năng mạng xã hội còn có thêm chức năng ví điện tử để thanh toán rất nhiều dịch vụ trong cuộc sống. Trừ người quá lớn tuổi không quen xài, hầu hết người dân đất nước tỷ dân, mỗi người có từ 1 – 2 mã quét. Riêng hai mã QR thanh toán của WeChat Pay và Alipay, mỗi mã có tới 700 – 900 triệu người xài.
WeChat là ứng dụng như thế nào?
Không sai khi gọi WeChat và những mạng xã hội tương tự là siêu ứng dụng bởi với gần cả tỷ người dùng, WeChat Pay của WeChat và Alipay chi phối cuộc sống của 1 tỷ 400 triệu dân. Ở Trung Quốc, người ta chỉ sợ hết pin điện thoại chứ không sợ hết tiền.
WeChat có rất nhiều tiện ích. Với mã quét QR của WeChat Pay kết nối với tài khoản ngân hàng, ở bất cứ nơi đâu, người dùng cũng có thể đóng tiền điện nước, thuế, gọi xe, đặt phòng, đặt tour du lịch, mua vé máy bay, mua sắm, mua vé xem phim, mua đồ ăn giao tận nhà, bốc số khám bệnh, chọn bệnh viện, vay tiền trên mạng, gửi ngân hàng, đầu tư tài chính, chứng khoán….
WeChat là một trong những ứng dụng trò chuyện kết nối mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc
Khi hết tiền, người dùng chỉ cần ra cây ATM gần nhất nạp tiền mà không cần đến ngân hàng. Khi không còn tiền, chỉ cần gọi điện thoại cho bạn bè, chuyển ngay cho bạn mà không tốn phí gì với số tiền chi tiêu vừa phải.
WeChat Pay góp phần thúc đẩy xã hội không tiền mặt, không dùng giấy vì hiện nay, vé tàu xe, máy bay toàn vé điện tử. Tại Trung Quốc, số điện thoại di động, tài khoản WeChat phải chính chủ, chính danh để đảm bảo kẻ gian không dùng công nghệ đánh cắp tiền hay có những hành vi khác.
Còn với chức năng mạng xã hội, người dùng đăng tin lên WeChat như Zalo, Facebook, gọi điện thoại video, nhắn tin bằng giọng nói, bằng văn bản miễn phí. Ngoài ra, WeChat còn có chức năng như một tờ báo điện tử khi lọc – đăng nhiều thông tin đang là xu hướng, hot trên các báo, các mạng xã hội cũng như thông tin chính sách mới từ chính quyền….
Đa dạng tiện ích cho người dùng – “mỏ vàng” cho người kinh doanh như vậy bảo sao các đầu óc làm ăn cỡ lớn của phương Tây lại không muốn triển khai các siêu ứng dụng. CEO của Twitter, bà Yaccarino, tuyên bố, X sẽ là “nơi tương tác không giới hạn, tạo nên một thị trường toàn cầu của ý tưởng, hàng hóa, dịch vụ và các cơ hội”.
Tuy nhiên, thách thức với X cũng là vô vàn. Ngoài việc phải mất nhiều thời gian xây dựng mới bắt đầu có lời thì X sẽ phải đối mặt với rất nhiều đối thủ là các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số đã có mặt sẵn trên thị trường Âu, Mỹ.
Còn ngay trước mắt, khi X vừa mới làm được bước đầu tiên là công bố logo, hiện đã có hàng trăm công ty, trong đó có Meta và Microsoft, có quyền sở hữu trí tuệ đối với chữ X. Có khả năng Elon Musk sẽ phải chịu các vấn đề phức tạp về pháp lý khi bảo vệ thương hiệu X trong tương lai.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...