ANDI là robot hình người, có thân nhiệt, có thể đổ mồ hôi, vì thế nó có thể đo lường bằng thực nghiệm cách con người phản ứng với khí hậu khắc nghiệt.
Tổ chức Khí tượng Thế giới đã cảnh báo các đợt nắng nóng gay gắt có thể sẽ kéo dài đến hết tháng 8 ở nhiều nơi trên thế giới. Tình trạng này có thể gia tăng các vấn đề về sức khỏe như mất nước, sốc nhiệt, bỏng nhẹ…
Điều gì xảy ra với cơ thể khi con người bị say nắng. Làm thế nào chúng ta có thể tự bảo vệ mình khi Trái đất ngày càng nóng lên? Để trả lời những câu hỏi hóc búa này, các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát triển một robot có thể thở, thậm chí đổ mồ hôi để hiểu hơn về tác động của nhiệt độ tăng cao, từ đó giúp con người đương đầu với nắng nóng tốt hơn.
Thành phố Phoenix, bang Arizona, Mỹ hiện đang chịu đựng đợt nắng nóng dài nhất trong lịch sử. Vào hôm qua, nhiệt độ đã vượt ngưỡng 43 độ C trong ngày thứ 22 liên tiếp, một minh chứng đáng lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu.
Mức nhiệt này có nguy cơ gây tử vong cho con người, tuy nhiên vấn đề vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Chính vì vậy mà ANDI có mặt ở Phoenix, thực hiện những thử nghiệm về nắng nóng. ANDI là 1 robot hình người, có thân nhiệt, có thể đổ mồ hôi, vì thế nó có thể đo lường bằng thực nghiệm cách con người phản ứng với khí hậu khắc nghiệt mà không đặt con người vào tình thế nguy hiểm.
Phó giáo sư Konrad Rykaczewski – Đại học bang Arizona, Mỹ cho biết: “ANDI là robot giữ nhiệt ngoài trời đầu tiên trên thế giới, chúng tôi có thể thường xuyên mang nó ra ngoài trời và đo lượng nhiệt mà nó nhận được từ môi trường trong điều kiện khí hậu nóng. Chúng tôi có thể làm điều đó trên 35 bộ phận cơ thể khác nhau”.
ANDI có lớp da bằng sợi carbon, bên dưới lớp da này là cả một công trình công nghệ, bao gồm mạng lưới các cảm biến được kết nối để đánh giá nhiệt độ khuếch tán trong cơ thể. ANDI cũng có hệ thống làm mát bên trong và lỗ chân lông cho phép nó thở và đổ mồ hôi. Giống như con người, robot này đổ mồ hôi nhiều hơn ở vùng lưng.
Bà Jennifer Vanos – Nhà nghiên cứu khí hậu cho rằng: “Không ai để con người ra ngoài trời giữa nhiệt độ cao như vậy mà nghiên cứu cả, vậy nên sự tham gia của ANDI thực sự hữu ích, nó giúp chúng ta hiểu rõ tác động nhiệt đối với cơ thể, để từ đó có những biện pháp ứng phó tốt hơn”.
Để tạo ra ANDI, các nhà khoa học tiêu tốn hơn nửa triệu USD, đổi lại ANDI cung cấp những thông tin hữu ích từ thí nghiệm với nắng nóng. Ví dụ, người càng lớn tuổi, càng ít đổ mồ hôi. Những người trẻ tuổi sẽ cần sự bảo vệ khác với các vận động viên hoặc những người có sức khỏe kém.
Với ANDI, các nhà khoa học có thể mô phỏng các cơ chế điều nhiệt dành riêng cho từng cá nhân, từ đó thiết kế ra các loại quần áo chống nóng, hay lắp đặt các cảm biến chi phí thấp trên các công trường xây dựng để điều chỉnh giờ làm việc theo nhiệt độ thực tế cảm thấy tại công trường và sức khỏe của công nhân – thay vì dựa trên điều kiện thời tiết chung.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...