Nhu cầu sử dụng công nghệ thông tin (IT) đang gia tăng mạnh mẽ tại Australia song nước này lại thiếu nguồn nhân lực trầm trọng vì vậy đây là cơ hội để các công ty IT của Việt Nam cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho Australia.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt của đời sống xã hội không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành điều không thể thay đổi của thế giới. Đặc biệt, sự ra đời và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều mặt của cuộc sống đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ không chỉ trong nghiên cứu mà cả trong đời sống hàng ngày. Sự ra đời gần đây của công cụ ChatGPT là một minh chứng rõ nét.
Thị trường Australia giàu tiềm năng
Australia cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Chính phủ Australia đã đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế số hàng đầu thế giới vào năm 2030. Và để đạt được mục tiêu này, Australia dự kiến sẽ chi 1,2 tỷ AUD (tương đương với hơn 900 triệu USD) để đẩy mạnh việc số hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống. Việc thúc đẩy nền kinh tế số đang khiến cho ngành IT tại Australia phát triển nhanh. Theo dự báo của Statista, doanh thu của thị trường IT tại Australia có thể đạt 33,11 tỷ USD vào năm 2023. Đến năm 2027, giá trị thị trường của ngành này tại Australia sẽ lên đến 44,8 tỷ USD.
Số liệu mà Statistic đưa ra cũng cho thấy doanh thu của cả phân khúc đối tác nước ngoài cung cấp dịch vụ, sản phẩm IT cho Australia có thể lên tới 12,7 tỷ USD. Vào năm 2027, tổng giá trị của phân khúc này có thể đạt tới 16,59 tỷ USD.
Thiếu lao động trong lĩnh vực IT
Để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế số hàng đầu thế giới, vào năm 2030 Australia sẽ cần có 1,2 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực IT. Tuy vậy theo số liệu do Bộ Đào tạo và Kỹ năng nghề công bố vào tháng 5/2023, Australia mới chỉ có 930 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực này.
Một ví dụ điển hình đó là câu chuyện thiếu nhân lực IT tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB), một trong bốn ngân hàng lớn nhất tại nước này. Ông Ross McEwan, Giám đốc điều hành NAB, cho biết tuy là một công ty có thương hiệu uy tín và có rất nhiều nỗ lực song NAB vẫn thiếu tới 700 nhân viên nhân viên làm việc trong các mảng dữ liệu, số và công nghệ nên đã ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Để khắc phục tình trạng này, năm 2022 NAB đã quyết định cùng với đối tác Positive Thinking Company thành lập một trung tâm IT tại Thành phố Hồ Chí Minh để quy tụ nhân viên phát triển phần mềm, các chuyên gia dữ liệu, nhà thiết kế số, kỹ sư phần mềm, chuyên gia phân tích dữ liệu để đảm nhiệm các công việc hỗ trợ sự vận hành của NAB.
Thuê ngoài – Giải pháp hữu hiệu bù đắp sự thiết hụt nhân lực
Đối diện với thực tế thiếu hụt lao động trong ngành công nghệ thông tin, chính phủ Australia đang đẩy mạnh hai giải pháp chính. Thứ nhất là khuyến khích lao động trong lĩnh vực IT đến nước này làm việc.
Theo số liệu được Bộ Đào tạo và Kỹ năng nghề công bố tháng 5/2023, lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực IT đã tăng 8% trong 1 năm và tăng 15% so với 3 năm trước. Trong đó lao động làm việc trong những lĩnh vực như phát triển phần mềm, phân tích dữ liệu, an ninh mạng ở các công ty không phải là công nghệ như ngân hàng hay siêu thị chứng kiến sự gia tăng mạnh hơn các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên về lâu dài, Australia đang đẩy mạnh việc khuyến khích người dân học tập và làm việc trong lĩnh vực này. Từ năm 2020, chính phủ Australia đã quyết định sẽ tài trợ tiền để giảm 20% học phí cho người dân nước này theo học ngành công nghệ thông tin. Đồng thời, chính phủ Australia cũng đang chi trả toàn bộ học phí cho người dân khi tham gia một số khóa đào tạo nghề trong lĩnh vực này.
Tuy vậy hai giải pháp này đều đang có những bất cập nhất định như việc phải chờ đợi thời gian dài mới đưa được người lao động nước ngoài đến Australia làm việc. Ông Lucio Piccoli, CEO công ty Công ty SiteSee cho biết, thủ tục tuyển dụng nhân viên nước ngoài mất nhiều thời gian và nếu thuận lợi thì quá trình này có thể lên tới 1 năm. Bên cạnh đó, tuyển dụng lao động nước ngoài cũng sẽ khiến các công ty phải chi khoản không nhỏ cho đào tạo, ổn định cuộc sống của người lao động. Chưa kể, người lao động nước ngoài cũng cần một khoảng thời gian nhất định để làm quen với công việc, môi trường mới.
Đây không chỉ là câu chuyện riêng của công ty SiteSee mà là nhiều công ty khác tại Australia, trong đó có NAB. Vì không thể chờ đợi đến lúc tuyển dụng đủ các vị trí IT trong công ty nên ông Ross McEwan cho biết, NAB đã quyết định cùng với bên thứ ba thành lập một trung tâm IT tại Việt Nam với 600 nhân viên.
Trong bối cảnh này, việc thuê các công ty nước ngoài đảm nhiệm một phần hay toàn bộ mảng công việc liên quan đến IT đang được coi là một giải pháp có nhiều lợi ích. Đầu tiên đó là việc cắt giảm chi phí. Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng Tập đoàn Công nghệ TMA, người đã làm việc với các đối tác Australia từ năm 2010 cho biết, chi phí cho một lao động làm việc trong lĩnh vực IT ở Việt Nam hấp hơn nhiều so với chi phí cho một lao động làm việc trong lĩnh vực này tại Australia.
Bên cạnh đó, nếu thuê các công ty nước ngoài thực hiện các công việc này thì sẽ có cả 1 đội ngũ có kinh nghiệm chuyên sâu và kiến thức dày dặn hỗ trợ nên chất lượng công việc và dịch vụ sẽ được cải thiện.
Khi thuê đối tác nước ngoài cũng sẽ giúp công ty nhanh chóng bù đắp được mảng thiếu hụt mà không cần lo đến việc xây dựng hệ thống, quy trình làm việc và đào tạo nhân viên.
Chính vì những lợi thế này mà việc thuê các công ty nước ngoài làm các dịch vụ và cung cấp sản phẩm IT đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia phát triển trong đó có Australia.
Số liệu của công ty nghiên cứu ISG Research cho thấy Australia đứng thứ 5 trong số các quốc gia có nhu cầu thuê các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ và sản phẩm IT, sau Đức, Mỹ, Anh và Nhật Bản và nhiều hơn cả Ấn Độ Canada, Hà Lan, Pháp và Thụy Sỹ.
Việt Nam – Nhà cung cấp dịch vụ IT đầy tiềm năng
Theo số liệu của TopDev, trong khoảng 100 triệu dân hiện nay của Việt Nam, có tới hơn 500 nghìn người đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trung bình, mỗi năm, lực lượng này được bổ sung thêm hơn 50 nghìn người.
Không chỉ đông đảo về số lượng, trình độ của lực lượng lao động trong ngành IT của Việt Nam cũng được các tổ chức độc lập đánh giá cao. Theo bảng xếp hạng Developer Skills Charts of Hackerrank đánh giá về trình độ của lực lượng lao động trong ngành IT, Việt Nam được xếp hạng thứ 23. Còn trong Xếp hạng Thế giới của Khảo sát lập trình viên tốt nhất, Việt Nam được lọt vào Top 10 của thế giới.…Chỉ số vị trí Dịch vụ toàn cầu năm 2021 của Kearney cũng xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong số các quốc gia hàng đầu thế giới dịch vụ gia công phần mềm. Còn Accelerence đánh giá Việt Nam là một trong hai điểm đến gia công phần mềm hàng đầu ở Đông Nam Á trong năm 2022.
Việc được đánh giá cao trong thị trường lao động quốc tế đang đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài muốn tìm kiếm các đối tác trong mảng công nghệ. Theo báo cáo công bố năm 2022 của TopDev, Việt Nam có 67.198 công ty công nghệ kỹ thuật số, tăng hơn 32% so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Doanh thu của lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông ở Việt Năm năm 2021 đạt hơn 136 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2020.
Khai thác hiệu quả cơ hội tại thị trường Australia
Việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ IT cho Australia được các công ty Việt Nam triển khai từ sớm, bắt đầu từ năm 2010. Ông Nguyễn Hữu Lệ cho biết, các công ty công nghệ của Việt Nam có nhiều ưu thế khi cung cấp dịch vụ IT cho Australia. Thứ nhất là người lao động có thái độ làm việc rất tích cực, rất đáng tự hào khi nhiều người luôn tìm kiếm cơ hội để làm tốt hơn công việc của mình. Họ cũng có thể sẵn sàng hy sinh thời gian của cá nhân, làm việc chăm chỉ, không kể ngày đêm, ngày Tết, lễ để đáp ứng tiến độ công việc hoặc khi có yêu cầu của khách hàng. Thứ hai, người lao động Việt Nam cũng rất chịu khó học, học nhanh và thông minh nên tiếp cận công nghệ mới rất nhanh. Thứ ba, Việt Nam cách 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của Australia là Sydney và Melbourne khoảng 2 đến 3 múi giờ nên rất thuận tiện trong việc trao đổi, liên lạc với các đối tác Australia. Thứ tư là quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa hai nước đang mở ra nhiều cơ hội để người dân và doanh nghiệp hai bên hiểu hơn về nhau và gia tăng sự tin tưởng, yên tâm khi hợp tác với nhau.
Tuy vậy, để khai thác hiệu quả cơ hội tại thị trường Australia, các doanh nghiệp và các lao động Việt Nam trong lĩnh vực IT cần nỗ lực nhiều hơn.
Anh Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc công ty Gaxa chuyên tư vấn về IT cho biết, sau 11 năm làm đại diện cho một công ty IT của Việt Nam tại Australia, anh cho rằng, ngôn ngữ là một trong những vấn đề cần có sự cải thiện mạnh mẽ. Không chỉ nói, nghe hiểu tốt, những người làm việc trong lĩnh vực IT tại Việt Nam cũng cần học cách diễn đạt để khách hàng có thể hiểu mình. Không chỉ vậy, các nhân viên IT cũng cần nhanh chóng hiểu ý của khách hàng. Đây không phải là vấn đề đơn giản bởi nó đòi hỏi sự hiểu biết về văn hóa, cách thức ứng xử và hiểu biết trong lĩnh vực chuyên môn.
Anh Nguyễn Minh Sơn cho rằng, ngoài việc nâng cao trình độ tay nghề, để đáp ứng tốt yêu cầu của khách và đưa ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, những người làm việc trong lĩnh vực IT của Việt Nam cũng cần bổ sung kiến thức chuyên môn ngành nghề.
Với ông Lucio Picoli, sau kinh nghiệm hợp tác với đối tác ở Thái Lan, nơi có thể mất điện trong 2 ngày liên tiếp khiến người lao động không thể làm việc, để có thể ký được hợp đồng cung cấp dịch vụ, sản phẩm công nghệ thông tin cho công ty Australia, công ty công nghệ cần phải có giá cả cạnh tranh, người lao động cần sẵn sàng làm việc và cần có sự đảm bảo và an toàn về dữ liệu. Và với người đang bắt đầu tìm hiểu về môi trường và năng lực của các công ty Việt Nam, ông Lucio Picoli mong muốn có 1 trang web của cơ quan nhà nước giới thiệu tổng quan về chính sách, môi trường, năng lực và thế mạnh của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam cũng như những sản phẩm và dịch vụ mà các công ty tại Việt Nam có thể cung cấp. Việc 1 trang web của cơ quan nhà nước đăng tải các thông tin này sẽ khiến cho thông tin trở nên đáng tin cậy và làm cơ sở để các đối tác nước ngoài như ông Lucio Picoli tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về các cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Cả Việt Nam và Australia đều đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điều đáng nói là hai nước có thể bổ sung cho nhau trong lĩnh vực này. Chính phủ hai nước cũng đã đặt những nền móng vững chắc cho mối quan hệ song phương và tiếp tục đưa mối quan hệ này phát triển lên những nấc thang mới. Bối cảnh này đang tạo ra cơ hội để doanh nghiệp hai nước khai thác những lợi thế của nhau và trở thành đối tác đáng tin cậy của nhau.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...