Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia. Song, bên cạnh sự phát triển, an ninh dữ liệu vẫn là thách thức lớn…
Phát biểu tại Hội thảo An ninh dữ liệu trên không gian mạng chiều 16/7, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhận định, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số - vật lý - sinh học, sự đột phá của Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, làm thay đổi căn bản nền sản xuất, hệ thống phân phối, tiêu thụ và biến đổi sâu sắc mọi hoạt động của đời sống con người.
Mức độ phổ biến của dữ liệu tỷ lệ thuận với hậu quả nếu không được bảo vệ
Trong cuộc cách mạng công nghiệp này, hệ thống mô phỏng tích hợp các loại công nghệ, môi trường số, kết nối vạn vật và không gian mạng sẽ trở thành công cụ sản xuất chủ yếu; phương thức sản xuất thông minh là chủ đạo; thông tin và dữ liệu, trong đó có dữ liệu nói chung và dữ liệu cá nhân, sẽ trở thành nguyên liệu có giá trị nhất, sức mạnh ngày càng lớn và có thể sử dụng không hạn chế về quy mô, không gian, thời gian.
Công nghệ thông tin ngày càng lan tỏa vào cuộc sống con người, người dùng càng cung cấp nhiều dữ liệu, dữ liệu cá nhân hơn lên không gian mạng. Các doanh nghiệp ngày càng sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ phân tích dữ liệu khách hàng, dữ liệu cá nhân để tối đa hóa lợi nhuận. Mức độ phổ biến của dữ liệu trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu không được bảo vệ tương xứng, đúng cách.
Trên thế giới, đến nay, đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, gần nhất là Ấn Độ và Thái Lan. Năm 2018, Quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực, quy định chặt chẽ về công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của các quốc gia thành viên, yêu cầu lưu trữ dữ liệu cá nhân trong phạm vi các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu hoặc ở các quốc gia có quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tốt hơn Liên minh châu Âu, vi phạm có thể bị phạt tới 20 triệu Euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia; có ngành công nghiệp thông tin có thứ hạng cao trong khu vực và trên thế giới; cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng dữ liệu và mạng lưới trung tâm dữ liệu được cải thiện; đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 7 cơ sở dữ liệu quốc gia; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn. Việt Nam hiện có gần 80 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới hơn 2/3 dân số, đứng thứ 7 thế giới, đặt ra bài toán thời cơ và thách thức rõ ràng.
Nguy cơ an ninh dữ liệu
Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, bên cạnh sự phát triển, các nguy cơ an ninh dữ liệu vẫn tiếp tục tồn tại, thách thức công tác bảo vệ.
“Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai”, Trung tướng Nguyễn Minh Chính nêu rõ.
“Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật”, Trung tướng Nguyễn Minh Chính thông tin thêm.
Các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác. Các doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán.
“Việc buôn bán dữ liệu cá nhân được tiến hành có hệ thống, có tổ chức, cam kết “bảo hành” và có khả năng cập nhật dữ liệu, trích xuất dữ liệu theo yêu cầu người mua. Nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn trên không gian mạng. Việc mua bán được tiến hành qua website, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn tin tặc”, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho hay.
Việc thanh toán được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, nhiều giao dịch ghi rõ nội dung mua bán dữ liệu.
“Việc mua bán dữ liệu cá nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp. Một số công ty được thành lập mới, đầu tư xây dựng, vận hành các hệ thống kỹ thuật chuyên thu thập trái phép dữ liệu cá nhân để kinh doanh thu lợi nhuận; xây dựng các phần mềm chuyên thu thập thông tin cá nhân, cài ẩn trong các trang mạng để thu thập thông tin tự động, phân tích thành tệp dữ liệu cá nhân có giá trị; tán phát mã độc có chức năng thu thập dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng (máy tính và thiết bị di động); tổ chức tấn công, xâm nhập hệ thống máy tính của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân. Thời gian gần đây, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân”, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết.
Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn GB dữ liệu, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Trong năm 2023, hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân, dữ liệu nhạy cảm tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Bộ Công an đã chủ động phát hiện, điều tra, xác minh 16 vụ việc lộ lọt, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên không gian mạng...
Tìm lời giải cho quản lý, bảo vệ dữ liệu
Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã đề xuất xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin an ninh mạng. Mục tiêu của nền tảng là kết nối, chia sẻ thông tin an ninh mạng, giúp chủ động ứng phó sự cố, theo dõi các công cụ, kỹ thuật tấn công mới của tội phạm, cảnh báo sớm về các hiểm họa, hỗ trợ ra quyết định chiến lược, tăng cường các biện pháp bảo vệ. Giải pháp sẽ đóng vai trò quan trọng trong các hệ thống an ninh mạng, giúp các tổ chức bảo vệ tài sản số và duy trì an toàn, an ninh dữ liệu.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế cho rằng, chia sẻ thông tin là cách tốt nhất giúp các thành viên của Hiệp hội có được bức tranh toàn cảnh, cập nhật các thông tin tình báo an ninh mạng mới nhất. Từ đó giúp các tổ chức nhận diện nguy cơ mới, chủ động tăng cường, đảm bảo an ninh.
Theo đề xuất, Hiệp hội sẽ chủ trì xây dựng nền tảng, kết nối, tiếp nhận dữ liệu được chia sẻ từ Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước. Cũng như kết nối với các công ty an ninh mạng Việt Nam, các tổ chức an ninh mạng thế giới và cả các chuyên gia an ninh mạng độc lập. Nền tảng được làm giàu dữ liệu từ các nguồn mở OSINT (Open Source Intelligence) hay các nguồn tình báo từ Dark Web (các hệ thống không công khai).
Nền tảng sẽ cung cấp thông tin cập nhật về các nhóm tin tặc đang hoạt động mạnh, trong đó nhấn mạnh những chiến dịch tấn công có chủ đích APT đang hướng tới Việt Nam. Thông qua các hiểu biết về công cụ, phương thức, kỹ thuật, chiến thuật tấn công của tội phạm mạng, các tổ chức sẽ tổ chức, xây dựng được chiến lược phòng thủ hiệu quả.
“Đặc biệt, nền tảng sẽ cảnh báo sớm cho tổ chức khi phát hiện dữ liệu bị lộ lọt. Các dữ liệu được cảnh báo lộ lọt gồm dữ liệu nội bộ, thông tin khách hàng, mã nguồn phần mềm, tài khoản, mật khẩu...”, ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Thống kê thực tế cho thấy, thời gian trung bình để một tổ chức phát hiện ra dữ liệu bị lộ lọt lên đến hơn 200 ngày. Việc phát hiện sớm không chỉ giúp các tổ chức nhanh chóng kích hoạt các kịch bản ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại, rút ngắn thời gian hồi phục, mà còn giúp ngăn chặn nguy cơ lộ lọt thêm các dữ liệu khác.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...