Sở dĩ có tranh cãi là vì màn "bấm chuông giành chiến thắng" của nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2024.
Cụ thể, khi sắp bước vào câu hỏi cuối cùng trong phần thi về đích dành cho thí sinh cuối cùng là Nguyễn Quốc Nhật Minh (học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai), Võ Quang Phú Đức tuy dẫn đầu đoàn leo núi với 235 điểm nhưng bị đối thủ là Nguyễn Nguyên Phú (học sinh Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) có 215 điểm, đang áp sát điểm số.
Và khi Nhật Minh không trả lời được câu hỏi, Phú Đức lập tức bấm chuông để giành quyền trả lời câu hỏi toán học (câu 30 điểm). Dù trả lời sai, bị trừ 15 điểm, còn lại 220 điểm, vẫn đủ để nam sinh gốc Huế trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2024.
Từ đây, tranh cãi "nổ" ra trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng Phú Đức đã "chơi không đẹp" khi "không nhường cơ hội cho bạn cùng chơi trả lời" cũng như "chơi tiểu xảo".
"Vì biết có trả lời sai cũng chỉ bị trừ đi một nửa số điểm của câu hỏi đó nên Phú Đức đã… bấm cho có. Nếu trả lời sai cũng chỉ bị trừ 15 điểm, số điểm còn lại vẫn hơn Nguyên Phú. Thế nên, mới có chuyện ngay sau khi tiếng chuông vang lên, Phú Đức đã vỡ òa, ăn mừng vì biết bản thân đã cầm chắc chiến thắng. Một phần thi không mãn nhãn. Chiến thắng không thuyết phục", tài khoản Lan Anh Đào bình luận trên Facebook.
Một ý kiến khác, cho rằng lẽ ra chương trình Đường lên đỉnh Olympia nên thay đổi luật, để thí sinh này trả lời sai thì bạn khác vẫn có thể giành quyền trả lời. "Nếu Phú Đức trả lời sai, Nguyên Phú có cơ hội trả lời, thì có thể kết quả đã khác. Chứ luật chỉ để cho một thí sinh giành quyền bấm chuông thì chẳng hay tí nào", tài khoản Vũ Bích bình luận trên Facebook.
Chiến thuật thông minh giúp vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2024
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Phú Đức đã có chiến thuật thông minh. Và cái kết với vòng nguyệt quế là hoàn toàn xứng đáng cho nam sinh người Huế. Bởi trong suốt 4 phần thi của trận chung kết, Phú Đức luôn thể hiện sự quyết đoán, thông minh, bản lĩnh, giữ phong độ và đạt điểm cao trong các phần thi.
"Việc bấm chuông nhanh nhạy để giành quyền trả lời, không cần biết đáp án đúng hay sai của Phú Đức chính là cách rất hay để nam sinh này bảo toàn vị trí dẫn đầu, không cho đối thủ có cơ hội "lật kèo". Tại sao lại ném đá Phú Đức? Tôi cho rằng đó là chiến lược thi đấu vô cùng thông minh", Trần Anh Toàn, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói.
"Phú Đức đã có "chiến thuật nhanh tay" để chặn đứng cơ hội lội ngược dòng của Nguyên Phú. Rất thông minh", Huỳnh Hữu Hòa, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhận định.
Và rất nhiều quan điểm đồng tình rằng, Phú Đức đã hoàn toàn tuân thủ luật chơi, nội quy của Đường lên đỉnh Olympia một cách nghiêm túc. Màn bấm chuông của Phú Đức để giành quyền trả lời ở câu hỏi cuối cùng của Nhật Minh là hợp lý. Hơn hết, chiến thắng của Phú Đức là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức và đấu pháp hợp lý, chiến thuật thông minh. Thế nên, dù có những tranh cãi thì chiến thắng của Phú Đức là hoàn toàn hợp lệ.
Nguyễn Việt Thái, sinh viên Học viện Ngoại giao, người từng lọt vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2021, nói: "Sau cuộc thi, có những luồng ý kiến chỉ trích Phú Đức trên mạng xã hội. Tuy nhiên, từ góc độ lý thuyết trò chơi (một nhánh của toán học nghiên cứu hành vi chiến lược của các cá nhân hoặc tổ chức trong các tình huống mà kết quả của một người phụ thuộc vào quyết định của những người khác), thì hành động của Phú Đức là hợp lý và tối ưu trong bối cảnh của cuộc thi. Một số người cho rằng việc "cướp điểm" của Phú Đức là không công bằng với các thí sinh khác, nhưng điều này bỏ qua bản chất của trò chơi. Trong mọi cuộc thi, chiến lược và tính toán đều là một phần không thể thiếu và luật chơi của Đường lên đỉnh Olympia đã thiết lập một hệ thống trong đó việc bấm chuông "cướp điểm" là hoàn toàn hợp lệ và được khuyến khích. Đây là một trò chơi và mục tiêu chính là chiến thắng. Phú Đức chỉ đơn giản là người vận dụng tốt nhất các quy tắc có sẵn để đảm bảo chiến thắng của mình".