Sau chung kết Đường lên đỉnh Olympia là... bị chỉ trích

16:48 - 17/10/2024

"Cái kết" sau chung kết Đường lên đỉnh Olympia ở nhiều năm là các thí sinh, dù vô địch hay không vô địch, dù chơi đẹp hay chơi với chiến thuật khôn khéo… cũng thường bị chỉ trích.

"Tiểu xảo", "khôn lỏi"

Mới đây nhất, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2024 là Võ Quang Phú Đức (học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã bị một bộ phận dân mạng "ném đá" vì màn bấm chuông chiến thuật ở câu hỏi cuối cùng của cuộc thi. Dù rằng không phạm quy và chơi đúng luật của Đường lên đỉnh Olympia, nhưng trên mạng, mãi từ ngày 13.10 đến nay, luồng ý kiến chỉ trích Phú Đức vẫn chưa dừng lại.

Chuyện mà Phú Đức gặp phải, tức bị chỉ trích sau trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia không hề ngoại lệ. Bởi từ trước đến nay, nhiều thí sinh lọt vào top 4 của chương trình này cũng gặp tình cảnh tương tự.

Sau chung kết Đường lên đỉnh Olympia là... bị chỉ trích

Phú Đức với màn bấm chuông ở câu hỏi cuối cùng của chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024

ẢNH: ĐÌNH HUY

Sau trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023, Nguyễn Minh Triết (cùng trường với Phú Đức) cũng phải nhận những ý kiến trái chiều.

Cụ thể, ở vòng thi về đích chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023, trong câu hỏi cuối cùng có số điểm 30 dành cho Minh Triết, thay vì suy nghĩ đáp án để trả lời thì nam sinh người Thừa Thiên - Huế đã chia sẻ: "Hiện tại thì em thấy cả bạn Mạnh (Lê Xuân Mạnh, Trường THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa - PV) và bạn Thành (Nguyễn Trọng Thành, Trường THPT chuyên Trần Phú, TP.Hải Phòng - PV) đều rất xứng đáng có chức vô địch. Và để công bằng nhất thì em sẽ nhường cơ hội này (trả lời câu hỏi - PV) để hai bạn có thể tranh tài".

Theo lời của MC Khánh Vy (dẫn chương trình chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023) thì "Minh Triết đã làm điều chưa có tiền lệ", tạo nên khoảnh khắc đáng nhớ, giúp tạo nên trận chung kết kịch tích, gay cấn. Khi đó, khán giả tại trường quay đều ồ lên bất ngờ và ngưỡng mộ. Mặc dù vậy, trên mạng xã hội, không ít ý kiến… chửi Minh Triết. Cho rằng Minh Triết đã "phá" cuộc chơi. "Tại sao Minh Triết lại nhường câu trả lời?", "Minh Triết chơi không đẹp"…

Sau chung kết Đường lên đỉnh Olympia là... bị chỉ trích

Nguyễn Minh Triết là thí sinh từng lọt vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Hay Phan Đăng Nhật Minh (cựu học sinh Trường THPT Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), người được gọi với cái tên "cậu bé Google", dù xuất sắc trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2017, nhưng cũng bị một số ý kiến chê bai sau trận chung kết. "Tưởng thế nào, chứ "cậu bé Google" thì cũng có những câu không trả lời được", "Thấy Nhật Minh chẳng giỏi hơn Hà Việt Hoàng (cựu học sinh Trường THPT Sóc Sơn, TP.Hà Nội) hay Phạm Huy Hoàng (cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam) là mấy. Chiến thắng không thuyết phục"… là những bình luận công kích Nhật Minh khi ấy.

Có thể thấy, sau trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia các năm, chẳng thí sinh nào… bình yên. Dù vô địch hay không vô địch thì cũng đều gặp "tai bay vạ gió". "Nhất cử nhất động" của họ thể hiện trong trận chung kết trở thành lý do bị dân mạng "ném đá".

Trần Trung Kiên (học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, tỉnh Phú Yên) đã bật khóc sau trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024, và bị một số tài khoản trên Facebook cho rằng "mít ướt quá", "thua, cớ sao lại khóc?"…

Và nhiều thí sinh từng lọt vào top 4 Đường lên đỉnh Olympia các năm cũng bị chê bai bằng những lời lẽ tiêu cực: "Thà rớt ở thi quý, chứ vào chung kết năm mà được điểm số quá ít thì tệ quá", "Vào chung kết năm mà chỉ được vài chục điểm"…

Sau chung kết Đường lên đỉnh Olympia là... bị chỉ trích

Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2020 từng bị dân mạng chỉ trích

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Đừng quá cứng nhắc, khắt khe với thí sinh Đường lên đỉnh Olympia

Nguyễn Thị Thu Hằng, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2020 cũng từng bị cộng đồng mạng "ném đá" tơi tả, cho rằng "có thái độ trên sóng truyền hình", "thể hiện tự tin và vui mừng thái quá", "không khiêm tốn", "quá ngạo mạn và không biết tôn trọng đối thủ"…

Thu Hằng cho biết sau trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2020 đã cảm thấy rất buồn vì bị nhiều người hiểu lầm có thái độ không tốt. "Tôi không cố tình làm vậy. Khi đó, tôi mới 17 tuổi nên tôi chưa thể tiết chế được cảm xúc. Tôi hy vọng khán giả bớt khắt khe và cho tôi cũng như các thí sinh khác có cơ hội được sống thật với cảm xúc".

Nguyên hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM, nơi từng có thí sinh vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia, cho rằng bản thân ông cũng cảm thấy sốc khi một bộ phận khán giả, dân mạng, thường chỉ trích các thí sinh của chương trình.

"Mọi người chỉ trích các thí sinh chỉ vì một hai khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng, bày tỏ cảm xúc khi trả lời đúng mà không thể hiểu được các bạn (thí sinh – PV) đã trải qua những ngày tháng ôn luyện kiến thức vất vả thế nào. Mọi người nên thông cảm khi ở lứa tuổi 17, 18, các bạn thường thể hiện rõ cảm xúc buồn vui, nên đừng quá cứng nhắc, "ném đá" chỉ vì tự thấy đó là hành động không đẹp trong mắt bản thân. Có thể, hành động nhất thời của các bạn bị cho là "lố" trong mắt người này, nhưng người khác thấy hợp lý", vị này nói.

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), sở dĩ có những tranh cãi sau chung kết Đường lên đỉnh Olympia, là vì có những người ủng hộ thí sinh này sẽ không vui khi thí sinh khác giành chiến thắng. Hoặc có những chênh lệch điểm số không hề cao, chỉ 5, 10 điểm, tạo nên những hụt hẫng, tiếc nuối. Từ đó sẽ nảy sinh những suy nghĩ kiểu: "giá như", "nếu mà"…

"Nếu những ý kiến được đăng lên mạng xã hội, dễ thu hút tranh luận. Và rồi, những thí sinh sẽ rơi vào tình cảnh là… bỗng dưng bị ném đá, nhận phải những bình luận ác cảm", ông Thịnh nói.

"Đối với những cảm xúc mà thí sinh thể hiện trong trận đấu, mọi người không nên quá khắt khe. Bởi thí sinh hoàn toàn có quyền vỡ òa vui sướng nếu có kết quả như mong đợi. Hiển nhiên, nếu thí sinh có kỹ năng sống tốt hơn, biết kiểm soát cảm xúc tốt hơn, thì sẽ "được lòng" khán giả hơn", ông Thịnh nói thêm.

Cũng theo ông Thịnh: "Mọi người đánh giá theo hướng tiêu cực, lên án thí sinh chỉ sau vài phần thi được phát trên sóng truyền hình là không công bằng. Hy vọng rằng, những luồng chỉ trích, "ném đá" các thí sinh của Đường lên đỉnh Olympia sẽ không còn trong thời gian tới".

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Ông chủ trường đua - SCTV9

 

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...