Theo South China Morning Post ngày 21.5, câu chuyện về một cô gái Trung Quốc từ bỏ công việc của mình để “làm việc” chăm sóc cha mẹ với mức lương 570 USD/tháng (hơn 13 triệu đồng) đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Được biết sau 15 năm làm việc cho một hãng thông tấn, người phụ nữ tên Nianan đối mặt với mức độ căng thẳng cao độ và áp lực liên tục khi phải trực điện thoại 24 giờ/ngày.
Biết được con gái trải qua khó khăn, bố mẹ Nianian đề nghị cô bỏ việc về chăm sóc họ với trợ cấp hàng tháng 4.000 nhân dân tệ được trích từ trợ cấp hưu trí hàng tháng. Bất ngờ thay, Nianian đã từ bỏ công việc của mình và quyết định trở thành một “con cái toàn thời gian”. Cô mô tả vai trò của mình là “một nghề tràn đầy tình yêu thương” khi chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề liên quan đến điện tử, làm tài xế và tổ chức một hoặc hai chuyến du lịch cho gia đình mỗi tháng.
Mặc dù được ở bên bố mẹ để thư giãn nhưng Nianan thừa nhận rằng “nguồn áp lực lớn nhất vẫn là mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn”. Tuy nhiên, bố mẹ cô liên tục trấn an cô bằng cách nói: “Nếu con tìm được công việc phù hợp hơn, con có thể làm việc đó. Nếu không muốn làm việc, chỉ cần ở nhà và dành thời gian với chúng ta”.
Khái niệm “con cái toàn thời gian” là một giải pháp thay thế cho những người trẻ tuổi ở Trung Quốc vốn đang rất đau đầu vì thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh và guồng quay của “996” (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần). Tuy nhiên, lựa chọn của Nianian không được lòng khá nhiều cư dân mạng.
“Rõ ràng, cô ấy chỉ đang kiếm tiền trên chính ba mẹ mình, được gọi là “ken lao” trong tiếng Trung Quốc, có nghĩa là “ăn của già” nhưng lại dùng cụm từ hoa mỹ “con cái toàn thời gian”, một người viết.
Những người khác cho biết khái niệm “con cái toàn thời gian” bắt nguồn từ thuật ngữ “những bà nội trợ toàn thời gian” và nói thêm: “Nếu được đánh giá trên thị trường lao động, con gái sẽ được trả cao hơn 4.000 nhân dân tệ. Hơn nữa, việc các bà nội trợ toàn thời gian nhận lương tháng riêng là điều tương đối hiếm”. Bên cạnh đó vẫn có nhiều người ủng hộ Nianian, cho rằng: “Nếu cả cha mẹ và con cái đều thực sự hạnh phúc, tại sao lại không đón nhận? Trong tương lai, lực lượng lao động trẻ sẽ có giá trị cao hơn”.