Những câu chuyện cuộc đời của các nhân vật trong Việc tử tế tháng 4 gửi gắm thông điệp về niềm tin, sự lạc quan và tình yêu thương vô bờ bến.
Cuộc đời mỗi người đôi khi được ví như bầu trời, có ngày âm u, có ngày mưa bão, và cũng có những ngày nắng đẹp. Đi qua những ngày mưa gió, bầu trời lại trở về một màu xanh ngắt đầy hi vọng. Có lẽ bởi vậy mà câu nói "Phía trước là bầu trời" như một lời động viên với mỗi người. Phía trước sẽ là những tươi đẹp đang chờ đón. Chương trình "Việc tử tế tháng 4: Bầu trời hy vọng" sẽ mang đến nguồn năng lượng tích cực cho quý vị chào đón một mùa hè mới.
Anh Nguyễn Văn Phúc (Phúc Búa) từ lâu đã không còn là cái tên xa lạ trong ngành chăm sóc đồ hiệu, đồ da tại Hà Nội khi là chủ của Bệnh viện đồ da với 4 cơ sở khác nhau. Thế nhưng, đằng sau sự thành công của Phúc Búa và xưởng còn là cả một câu chuyện đặc biệt và đầy cảm động.
Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, anh Phúc là con trai duy nhất trong nhà. Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn khi bố là thương binh, 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng của mẹ. Năm 2001, bố anh Phúc mất do bệnh nặng, kể từ đó áp lực kinh tế đè nặng lên vai mẹ. Do quá khổ, các chị phải nghỉ học, khi đó trong anh Phúc luôn mang suy nghĩ phải kiếm tiền. Rồi anh quyết định đi đánh giày.
Nhờ nỗ lực và cố gắng, anh đã đỗ vào trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng như đã có nhiều năm công tác tại Đài truyền hình Việt Nam. Thế nhưng, trong suốt quãng thời gian học tập, làm việc của mình, chưa bao giờ anh Phúc bỏ đi thói quen "đánh giày".
Và rồi, vào năm 2018, Phúc Búa đã cùng với người bạn đồng hành của mình là anh Chiến thành lập nên Bệnh viện đồ da. Xuất phát từ sự đồng cảm và thấu hiểu khi chính bản thân cũng từng là một người yếu thế trong xã hội, vậy nên hầu hết những thành viên trong xưởng của anh Phúc đều có câu chuyện đặc biệt. Người thì phải tha hương cầu thực kiếm sống từ rất sớm, người là nạn nhân của các vụ buôn người... Thế nhưng, cuộc đời của họ đã thay đổi từ khi được sống và làm việc trong một gia đình mới.
Không giữ cho mình bí quyết để thành công, anh Phúc chọn mở lòng chia sẻ. Bởi với anh, "điều gì trên đời này rồi cùng sẽ mai một, chỉ có sự cho đi là còn mãi".
Mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, không thể đi lại như người bình thường, thế nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm (sinh năm 1990, Nam Định) vẫn nuôi ước mơ trở thành cô giáo với lớp học 5 không đặc biệt: không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí.
"Tôi năm nay 33 tuổi, vì căn bệnh xương thủy tinh, số lần gãy xương gấp nhiều lần số tuổi. Lục phủ ngũ tạng cũng vì thế mà hỏng cả. Thế nhưng, hỏng là việc của nó, còn cố gắng nỗ lực là việc của mình" - Ngọc Tâm bình thản chia sẻ về căn bệnh của mình.
Dù tuổi thơ nhiều đau đớn với những lần gãy xương liên tục, thế nhưng Tâm lại rất đam mê học hỏi. Lên 8 tuổi, mong ước được tới trường như bạn bè cùng trang lứa của Tâm ngày một lớn dần. Nhận ra niềm ham học của con, mẹ Tâm đã đi khắp các trường, xin cho Tâm vào lớp 1. Không phụ công sức và tấm lòng của ông bà, cha mẹ, Tâm đã đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 9 năm liên tiếp. Dù rất ham học, nhưng vì điều kiện sức khỏe và trường cấp 3 lại cách nhà tận 15km, thế nên cô gái 9X ngậm ngùi gác lại mong ước được đến trường. Tuy phải dừng bước trên con đường học tập nhưng cô đã theo đuổi ước mơ của mình theo một cách rất riêng.
Chị bắt đầu dạy kèm cho các bạn học sinh từ những năm còn học cấp hai. Lứa học sinh đầu tiên chỉ kém chị 5 tuổi. Sau khi học xong lớp 9 và không thể học tiếp cấp 3, Ngọc Tâm quyết định mở lớp dạy học miễn phí cho các bạn học sinh. Khi ấy, bố mẹ chính là nhà tài trợ lớn nhất của chị, bàn ghế phục vụ việc dạy học đều do bố mẹ tự chế. Mặc dù không được đào tạo bài bản như một giáo viên thực thụ nhưng lớp học của cô giáo Tâm vẫn đều đặn đón các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 tới học trong suốt gần hai mươi năm qua, thậm chí còn có những học sinh khác tỉnh, từ Thái Bình, Ninh Bình... sang theo học cô Tâm.
Dù bệnh tật dày vò nhưng Tâm luôn tìm cách khiến mình hạnh phúc như làm thơ, dạy học, hay tham gia các hoạt động của hội người khuyết tật và nhiều chương trình thiện nguyện khác. Chị sáng lập Quỹ Học bổng Ngọc Tâm thủy tinh. Mỗi dịp kết thúc học kỳ, kết thúc năm học, lớp học Ngọc Tâm thủy tinh đều nỗ lực dành những phần thưởng, những món quà cho các em nhỏ vùng quê nghèo. Bên cạnh đó, chị còn xây dựng tủ sách gồm 1500 đầu sách với mong muốn có thể mang đến tri thức đến với các em học sinh.
Thương những đứa trẻ bị bỏ rơi và trẻ thiếu điều kiện chăm sóc, ông Huỳnh Tấn Hùng – một cựu chiến binh ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã mở cửa đưa những đứa trẻ bất hạnh về nuôi. Hành trình ấy âm thầm, lặng lẽ suốt hơn 15 năm qua.
Câu chuyện của ông Hùng bắt đầu từ cách đây chừng 15 năm. Một phụ nữ sống đơn thân trong vùng vì phải đi làm xa mà ít có điều kiện nuôi nấng đứa con đau yếu nên tìm tới gửi nhờ ông Hùng chăm sóc vì thấy ông yêu trẻ con. Người này ban đầu cũng bảo tìm tới ông vì thấy nét mặt ông phúc hậu, tử tế. Thấy ông nhận nuôi trẻ, nhiều người khó khăn cứ tìm tới gửi con. Ban đầu họ chỉ để trẻ từ sáng rồi đi làm, tới tối đón về nhưng lâu dần thấy trẻ quấn ông, tới tháng ông cũng chẳng lấy tiền chăm trẻ nên nhiều người tới rỉ tai ông về những đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi ở đâu đó, mong được ông giúp đỡ.
Ông Hùng bảo rằng mình từng là một người lính, chiến đấu và trở về từ Campuchia. Khi về cuộc sống đời thường, ông cố gắng sống thật tử tế, giúp người khó khăn bằng nhiều cách trong khả năng của mình bù lại cho những mất mát mà đồng đội ông đã nằm lại. Trước khi lập trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, ông đã dành thời gian và tiền bạc để xây nhà tình thương cho người nghèo khó.
Đặc biệt ở mái ấm, nhiều người cũng đã tìm tới tự nguyện giúp việc, nhận nấu ăn, dọn dẹp, làm sổ sách, chăm sóc trẻ mà không nhận tiền công. Những đứa trẻ đi học hằng ngày ở các trường phổ thông như những trẻ khác. Nhiều em thành sinh viên đại học, trưởng thành rồi quay lại mái ấm tìm cách giúp ân nhân của mình nuôi những đứa trẻ khác.
Theo ông Hùng, từ ngày thành lập đến này có khoảng 400 trẻ đến nhờ giúp đỡ, trong đó 200 đến được một thời gian thì người thân đón về, hơn 200 em ở lại trung tâm đến khi trưởng thành. Nhưng kinh phí hoạt động chưa phải là trăn trở lớn nhất của ông Hùng. Điều ông lo là mai này già yếu không thể duy trì trung tâm. Ông vẫn mong ai có khả năng tiếp nhận, ông sẽ bàn giao để tiếp tục chăm sóc các trẻ.
"Tôi mong muốn nhiều người khác cũng hãy mở lòng để những đứa trẻ không còn bất hạnh" - ông Hùng nói.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...