Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất và thách thức vươn tầm

04:48 - 12/09/2024

Sáng 10.9, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Hội Điện ảnh VN tổ chức Hội thảo "Điện ảnh VN từ khi đất nước thống nhất: 50 năm - một chặng đường" với sự tham dự đông đảo của các nhà quản lý, nhà làm phim, nhà nghiên cứu, đạo diễn và nhà phê bình.

Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện, sâu sắc những thành tựu nổi bật của nền điện ảnh VN qua chặng đường nửa thế kỷ trên đầy đủ các phương diện, loại hình, cùng nhìn nhận các tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để điện ảnh VN tiếp tục phát triển.

Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất và thách thức vươn tầm

Hội thảo “Điện ảnh VN từ khi đất nước thống nhất: 50 năm - một chặng đường”

ẢNH: THẾ QUANG

Theo PGS-TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, phim truyện VN 50 năm qua có sự kết hợp hài hòa của các dòng điện ảnh sử thi, thơ và đấu tranh đã góp phần tạo nên bản sắc riêng.

Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất và thách thức vươn tầm

PGS-TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM

"Do phim truyện là tấm gương phản ánh xã hội, những tư tưởng mới và sẽ có được mảnh đất riêng khi nó gần gũi với tâm tưởng người dân, người lao động, nên nhà làm phim cần tạo nên "5 mới", gồm: diện mạo mới, luồng sinh khí mới, sức sống mới, nguồn lực nhân lực - tài chính - sáng tạo mới, chất lượng sáng tạo nghệ thuật mới. "Để làm được điều đó, cần nỗ lực sáng tạo để tạo hệ giá trị tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, công nghệ, thương mại, giải trí, thẩm mỹ… cho phim truyện, cũng như các vấn đề kỹ thuật làm phim, phong cách và hình thức phim, góp phần tích cực tạo nên giá trị, bản sắc của điện ảnh quốc gia và dân tộc", PGS-TS Vũ Ngọc Thanh chia sẻ.

Chia sẻ về phim tài liệu, phim khoa học VN 50 năm qua, GS-TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nhận định sau khi đất nước thống nhất đến nay thể loại phim này đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau.

Về giải pháp cho việc phát triển phim tài liệu, phim khoa học phát triển trong giai đoạn hiện nay, GS-TS Trần Thanh Hiệp cho rằng đây là vấn đề lớn và phải đặt giải pháp phát triển trên cơ sở giải quyết mối quan hệ: tác giả - tác phẩm - người xem vì tác phẩm sẽ vô nghĩa nếu phim không đến được với người xem.

"Vấn đề đặt ra là con đường nào để phim tài liệu, phim khoa học của ngành điện ảnh đến với người xem? Điều này rất quan trọng. Chỉ qua sự tiếp nhận của người xem, nghệ sĩ làm phim mới thực sự trưởng thành; phim tài liệu, phim khoa học VN mới có thể phát triển. Tôi nghĩ đây là câu hỏi lớn khi chúng ta bàn đến các giải pháp cho sự phát triển", ông Hiệp nói.

Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất và thách thức vươn tầm

Nhà báo Trần Việt Văn chia sẻ tại hội thảo

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn chia sẻ rào cản lớn nhất mà điện ảnh Việt cần phải vượt qua chính là vấn đề đào tạo con người và sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng. Những sự thay đổi cơ bản phải bắt đầu từ gốc rễ, trước hết là từ chiến lược đào tạo. Cần có một chiến lược đào tạo bài bản, thiết thực, toàn diện để giúp cho nền điện ảnh VN có một nguồn nhân lực phong phú, dồi dào. "Từ nguồn nhân lực ấy, mới có thể phát hiện, tìm kiếm và hiển lộ những đạo diễn, quay phim, biên kịch, diễn viên, họa sĩ thiết kế… tài năng, từ đó góp phần đưa điện ảnh Việt vươn ra thế giới, hội nhập quốc tế", nhà báo Việt Văn nhấn mạnh.

Kinh tế điện ảnh là vấn đề quan trọng

Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất và thách thức vươn tầm

PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh VN phát biểu tại hội thảo

Theo PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, hội thảo đã phác họa phần nào diện mạo điện ảnh VN qua một chặng đường 50 năm. Ông cho rằng vì những điều kiện nhất định, điện ảnh VN đã không đi được những bước đi nhanh hơn đến 10, 20 năm. Nhưng nhìn lại, điện ảnh nước ta có những đặc điểm riêng của từng thời kỳ và hiện nay các tác giả trẻ, tác giả phim độc lập đã có nhiều thay đổi về phương thức thể hiện trong cách kể chuyện, thay đổi nhiều đề tài phong phú khác nhau, như những đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài tâm lý xã hội, những góc khuất của con người... "Tất cả những hình thức đó đã được thể hiện với mục đích cao nhất của người làm phim là thu hồi được vốn để tái sản xuất", ông Tú chia sẻ.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh (phim Hai Muối) chia sẻ kinh tế điện ảnh là một vấn đề rất quan trọng, nhiều khi làm phim có thể mất cả một gia tài, có người làm xong phim còn thiếu nợ nhưng yêu phim và làm phim với tâm huyết của mình là có thật. "Ngày hôm qua tôi nhận được thông báo phim Hai Muối đã có một kết quả hòa và rất nhiều người đã chúc mừng. Tại sao lại vui mừng như vậy, bởi vì có động lực để làm tiếp và có thể làm hay hơn. Các bạn tôi có nhiều người làm phim vẫn thiếu nợ nhưng không phải vì thế mà không tiến lên, tôi sẽ tiếp tục làm", đạo diễn Vũ Thành Vinh nói.

TS-NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), cho rằng với những nhiệm vụ và giải pháp phát triển lĩnh vực điện ảnh, cùng các cơ chế, chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, phát hành, phổ biến phim, ngành điện ảnh vẫn luôn mong muốn được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, bố trí tăng nguồn ngân sách cho các hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim nhà nước đặt hàng phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là kinh phí để cải tạo, nâng cấp rạp, cụm rạp chiếu phim thuộc các trung tâm phát hành và chiếu bóng tại các tỉnh, thành.

Cùng với đó, bà Hà cũng nhấn mạnh về việc "cấp ngân sách xây dựng hệ thống số hóa kho phim nhựa do VN sản xuất (từ năm 1945 đến nay) và đồng bộ hệ thống công nghệ lưu trữ quốc gia kỹ thuật số để phổ biến và khai thác rộng rãi tới công chúng trong nước và nước ngoài trên các nền tảng truyền thông, đặc biệt là nền tảng xem phim trực tuyến, thực hiện hiệu quả mục tiêu Người Việt xem phim Việt, lan tỏa tinh thần Người Việt yêu phim Việt".

Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất và thách thức vươn tầm

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trao giải Cánh diều vàng ở thể loại phim điện ảnh xuất sắc nhất cho bộ phim Mai của đạo diễn Trấn Thành

Ảnh: BTC

Phim Mai của Trấn Thành đạt giải phim điện ảnh xuất sắc nhất

Tối 10.9, lễ trao giải Cánh diều vàng 2024 - ngày hội điện ảnh lớn nhất trong năm đã chính thức diễn ra tại Nhà hát Đó (Libera Nha Trang).

Giải thưởng Cánh diều vàng năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang, có sự phối hợp giữa Hội Điện ảnh VN, UBND tỉnh Khánh Hòa và Công ty cổ phần Vega City Nha Trang.

Cánh diều vàng năm 2024 đã đón nhận 163 tác phẩm tranh giải, với 18 phim điện ảnh, 18 phim truyền hình, 41 phim tài liệu, 18 phim khoa học, 14 phim hoạt hình, 50 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình.

Tại buổi lễ công bố và trao giải Cánh diều vàng 2024, tỉnh Khánh Hòa đã trao 10 tỉ đồng hỗ trợ đồng bào miền Bắc đang bị thiệt hại do bão số 3. Công ty KDI Holdings hỗ trợ 100 triệu đồng, đoàn làm phim Hai Muối hỗ trợ 200 triệu đồng; nhiều nghệ sĩ, diễn viên cũng tham gia ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.

Cánh diều vàng 2024 ở thể loại phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất đã thuộc về phim Mai của đạo diễn Trấn Thành. Diễn viên Quyền Linh trong phim Hai Muối; Phương Anh Đào trong phim Mai đạt giải Cánh diều vàng dành cho Nam - Nữ vai chính xuất sắc nhất phim truyện điện ảnh.

Ở thể loại phim truyền hình, Cánh diều vàng thuộc về phim Gặp em ngày nắng của đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu, Trung tâm phim truyền hình - Đài truyền hình VN.

Diễn viên Duy Hưng vai Trí trong phim Người một nhà và diễn viên Thanh Hương vai Luyến trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao đạt giải Cánh diều vàng dành cho Nam - Nữ diễn viên xuất sắc phim truyện truyền hình.

Ban tổ chức cũng trao giải Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc cho đạo diễn Vũ Thành Vinh, phim Hai Muối.

Ngoài ra, còn có nhiều giải thưởng khác như Nam - Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện truyền hình, điện ảnh; Biên kịch, đạo diễn xuất sắc phim truyện truyền hình, điện ảnh; Các thể loại phim ngắn, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình… 

Thế Quang

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Người hùng xí nghiệp - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Tình thương của mẹ hổ: Góc nhìn mới giúp phụ huynh hiểu con hơn

 

Truy tìm bằng chứng II: Những vụ án mới gay cấn và hấp dẫn

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...