Hai vở được chọn để "đối thoại" là hai vở kịch truyền thống cách mạng Cánh đồng rực lửa (sân khấu Quốc Thảo) và Ngày ấy cổng trời (sân khấu Trịnh Kim Chi). Thực sự không dễ khi dựng và diễn kịch cách mạng, nhưng cả hai vở đều gây được ấn tượng tốt, đặc biệt vở Cánh đồng rực lửa đã có hơn 30 suất diễn phục vụ các quận huyện. Khán giả tham gia chương trình đã chia sẻ cảm xúc khi xem vở diễn. Nhà thơ Lê Tú Lệ tiết lộ chi tiết: "Thành phố chúng ta có sự kiện 32 dân công hỏa tuyến ở xã Vĩnh Lộc cùng hy sinh trong một đêm chiến đấu, là câu chuyện bi thương, hào hùng. Khi cầm kịch bản của tác giả Ngọc Trúc tôi hối hả tìm người viết riêng ca khúc cho vở, và nhạc sĩ đã chọn phổ bài thơ của tôi. Khi trên sân khấu, các anh em dân công ngã xuống, ca khúc trỗi lên, thì khán giả khóc như mưa". NSƯT Tuyết Thu tâm sự: "Nghệ sĩ chúng tôi cũng ôm nhau khóc. Tôi đóng vai cô Sáu, chứng kiến bầy con mình nằm chết la liệt trên đường, trái tim nhói đau không diễn tả được. Chúng tôi chỉ mong thế hệ trẻ hiểu được những khốc liệt mà cha anh mình đã trải qua trong chiến tranh". Vở này mềm mại, đời thường, chứ không khô cứng, lên gân, phần lớn nhờ vai của NSƯT Minh Nhí, anh nói thiệt tình: "Mình lớn tuổi rồi, biết cân nhắc tiết chế trong các vở quan trọng, chứ không thể bung như các vở thị trường".
Về vở Ngày ấy cổng trời, tác giả Nguyễn Kháng Chiến kể ông viết từ những kỷ niệm hồi còn chiến đấu tại miền Bắc, nơi hằng ngày ông chứng kiến những cô thanh niên xung phong trẻ trung phải vất vả, gian lao, thậm chí hy sinh ngã xuống, nhưng lúc nào họ cũng lạc quan, tích cực, đáng yêu vô cùng. Và NSND Trịnh Kim Chi cũng vô tình đọc được kịch bản khi đang đau đầu tìm vở để dựng, đọc tới đâu nổi da gà tới đó và lên kế hoạch ngay. Chị nói: "Bối cảnh miền Bắc nhưng chúng tôi vẫn nói tiếng Nam, không ngờ khán giả xem xong thấy không có rào cản nào cả, chỉ thấy đất nước mình hiện ra hào hùng, cảm động".