Nghệ nhân làm phỗng đất cuối cùng ở Kinh Bắc

10:30 - 16/09/2024

Những con phỗng đất luôn là món quà truyền thống cho trẻ em mỗi dịp Trung thu đến. Nhưng trong dòng xoáy của sự phát triển, với sự lên ngôi của các loại đồ chơi điện tử, nhiều người làm phỗng đất ở làng Đông Khê (xã Song Hồ, H.Thuận Thành, Bắc Ninh) đã bỏ nghề, chỉ còn duy nhất một người vẫn đau đáu, 'thổi hồn' cho phỗng đất.

Ký ức làm nghề

Nghề làm phỗng đất ở Đông Khê đã tồn tại hơn 100 năm ở xứ Kinh Bắc và trở thành một nét văn hóa nghệ thuật đặc biệt nơi đây. Không biết chính xác nghề có từ khi nào, nhưng theo ông Phùng Đình Giáp, nghệ nhân duy nhất còn làm phỗng đất ở làng, thì nghề được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, đơn thuần và tự nhiên như "cơm ăn nước uống" hằng ngày.

Nghệ nhân làm phỗng đất cuối cùng ở Kinh Bắc

Những con phỗng đất đủ màu sắc được bày trên mẹt tre cũ

ẢNH: GIA ÂN

Ông Giáp học nghề từ cha vào năm 8 tuổi và là thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghề làm phỗng đất. Giờ đây, khi đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", đôi tay của ông vẫn thoăn thoắt tạo ra những con giống đất đủ hình thù xinh xắn. Những bức tượng phỗng không đơn thuần là món đồ chơi mà còn là tinh thần, cuộc sống của ông khi làm nghề.

Ông Giáp kể rằng, thời xưa, làng ông chuyên cung cấp phỗng đất cho cả vùng Hà Bắc (Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay). Mỗi dịp rằm tháng tám, cả làng lại cùng nhau gánh phỗng đất ra bán ở chợ bên bờ sông Đuống. Đủ các nhân vật rực rỡ sắc màu, trải đầy trên những chiếc mẹt tre cũ. Người bán kẻ mua tấp nập ra vào vui như trẩy hội.

Trong mâm cỗ Trung thu xưa, ngoài hoa quả, bánh kẹo thì không thể thiếu được bộ phỗng đất làng Hồ. Bộ phỗng đất gồm 5 hình tượng, mỗi nhân vật mang một ý nghĩa khác nhau nhưng vẫn có tính liên kết đặc biệt. "Em bé ôm bông hoa" tượng trưng cho con cháu; "ông phỗng đứng" đại diện cho thế hệ lớn tuổi; "ông sư" tượng trưng cho lương tâm, đạo đức; "chim câu" bộc lộ khát vọng tự do, hòa bình và "rùa" tượng trưng cho sức sống mãnh liệt.

Không chỉ là món đồ chơi đất sét tuổi thơ trong ký ức của người làng Hồ, phỗng đất còn mang giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp nghệ thuật và hồn cốt quê hương. Có lẽ vì vậy mà hơn 60 năm nay, nghệ nhân Phùng Đình Giáp vẫn nặng tình với nghề, tỉ mỉ trong từng nét khắc nhỏ trên mỗi con phỗng đất ông tạo ra.

Nghệ nhân làm phỗng đất cuối cùng ở Kinh Bắc

Ông Phùng Đình Giáp, nghệ nhân làm phỗng đất cuối cùng của xứ Kinh Bắc

ẢNH: GIA ÂN

Ông Giáp chia sẻ, để làm ra một con phỗng đất hoàn chỉnh cần thực hiện đủ 7 bước. Về phần đất, bắt buộc phải sử dụng đất thó, được trộn theo tỷ lệ giữa đất sét và giấy bản. Đất sét phải được đào ở độ sâu khoảng 3 m và chỉ lấy từ 20 cm - 30 cm để đất sạch, mịn. Sau đó, đất được mang đi phơi khô, cho vào cối giã nhuyễn thành bột, sàng đến khi chuyển thành màu xám nhạt, có độ mịn, mát tay.

Theo ông Giáp, nguồn nguyên liệu hiện nay đã khan hiếm nên ông phải tranh thủ đào đất sét từ ao, hồ sen, đồng ruộng vào mùa cạn nước. "Phải là đất sét bởi độ kết dính cao, không thể thay thế bằng đất thịt", ông Giáp lý giải..

Một nguyên liệu quan trọng không kém nữa là bột giấy. Ngày trước, ông Giáp sử dụng giấy bản hoặc giấy dó được lấy từ thôn Đống Cao, nhưng nay có thể thay bằng lề giấy hoặc giấy báo để tiết kiệm chi phí mà vẫn có độ sơ nhất định. Giấy được ngâm mủn trong nước sẽ được trộn tay với bột đất thó. Vừa trộn, vừa dùng chày đập đến khi hỗn hợp kết dính, có độ dẻo, mịn, không dính tay thì đạt yêu cầu.

Hỗn hợp đất sau đó được nghệ nhân nhào nặn tỉ mỉ, uốn nắn tạo ra độ mềm mại đẹp mắt. "Phỗng đất không đẹp từ sự cầu kỳ, tinh xảo mà được yêu mến bởi dáng vẻ giản dị và chân chất của chúng", ông Giáp nói.

Khác với những món đồ chơi khác, phỗng đất không cần nung nóng trong lò lửa mà sẽ khô dưới nắng, có độ cứng cáp và bền chắc nhất định.

Nghệ nhân làm phỗng đất cuối cùng ở Kinh Bắc

5 hình tượng đặc trưng trong bộ phỗng đất truyền thống

ẢNH: GIA ÂN

Giá trị từ văn hóa truyền thống

Cho dù những món đồ chơi hiện đại thu hút trẻ nhỏ nhưng phỗng đất vẫn luôn có chỗ đứng đặc biệt bởi giá trị văn hóa, tinh thần sâu sắc. Vào mỗi dịp Trung thu, phỗng đất cùng nhiều món đồ chơi truyền thống vẫn thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ, điều này tiếp thêm nhiệt huyết với nghề cho nghệ nhân cuối cùng của làng Hồ. Ông vẫn thường xuyên được mời tham gia các hội chợ, triển lãm làng nghề thủ công truyền thống ở các địa phương và các bảo tàng lớn.

Để có những món đồ phù hợp với sở thích của giới trẻ, ông Giáp luôn chủ động thay đổi, khoác "chiếc áo mới" lên những con phỗng đất, để sản phẩm văn hóa càng thêm đa dạng, thú vị. Vài năm trở lại đây, không chỉ trưng bày bộ phỗng đất truyền thống, nghệ nhân Phùng Đình Giáp còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm nghệ thuật mới từ đất thó như tranh phỗng đất, gạt tàn thuốc, 12 con giáp...

Không đơn thuần là món đồ chơi của con trẻ, phỗng đất còn mang giá trị văn hóa, truyền thống của quê hương. Vì thế, nghệ nhân Phùng Đình Giáp mong nhiều người biết tới nghề làm phỗng đất hơn, bởi những món đồ chơi dân gian này sẽ mãi là một trong những biểu tượng quý giá của văn hóa Kinh Bắc.

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Người hùng xí nghiệp - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Tình thương của mẹ hổ: Góc nhìn mới giúp phụ huynh hiểu con hơn

 

Truy tìm bằng chứng II: Những vụ án mới gay cấn và hấp dẫn

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...