1. Có lẽ thật thiệt thòi cho những đứa trẻ không sinh ra từ làng như tôi. Bởi lẽ, cho mãi đến sau này, khi ở tuổi mười hai, mười ba tôi mới thực sự tận mắt thấy cái cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình... trong lời ru của mẹ. Cuộc sống khó khăn chạy ăn từng bữa từ Tây nguyên nắng gió của cha mẹ khiến cho con cháu với quê hương ngăn mặt cách lòng. Giọng mẹ không hay, nhưng trầm ấm, lời rủ rỉ rù rì như liều thuốc khiến chị em tôi chẳng mấy chốc đã chìm sâu vào giấc ngủ ngon lành.
Bài học vỡ lòng của tôi và có lẽ cũng của rất nhiều người hẳn là giai điệu và ca từ "Công cha như núi Thái Sơn/nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/một lòng thờ mẹ kính cha/cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Tình yêu thương như mạch nước ngầm rỉ rả mỗi đêm. Thấm đẫm tâm hồn con trẻ để dần dà hình thành lòng hiếu thuận. Để rồi, khi trưởng thành, có cho mình một gia đình nhỏ, ẵm đứa con đầu lòng trên tay, miệng tôi lại ầu ơ những câu hát mà mẹ đã hát ru mình những năm tháng xa xưa.
Ký ức tuổi thơ tôi không có bóng dáng người bà. Cha mẹ xa quê lập nghiệp chốn rừng thiêng nước độc chỉ biết tự nương nhau mà vun vén gia đình. Bởi vậy, mỗi lần nhìn thấy chúng bạn sà vào lòng bà ngoại, bà nội của mình nũng nịu, được bà ôm ấp vỗ về, lòng tôi lại dấy lên nỗi tủi thân thơ trẻ. Ngày đó, nhà tôi ở trong khu tập thể của cơ quan nơi cha mẹ làm việc, mỗi nhà cách nhau một tấm vách được đan bện bằng tre nứa, nhà này nói gì, bên nhà kia nghe rõ như trong nhà mình. Mỗi lần nghe tiếng ầu ơ ru cháu của người bà, tôi lại nép tai mình vào vách để được nghe âm điệu du dương trầm bổng dễ chịu ấy và rồi thiếp đi lúc nào không biết nữa. Có lẽ trong giấc ngủ ấy, có cánh cò trắng liệng bay thư thả giữa mênh mông bát ngát ruộng đồng.
2. Tôi biết "Thằng Bờm có cái quạt mo/phú ông xin đổi ba bò chín trâu" không phải qua cái tên của thằng nhóc tên Bờm đầu xóm, mà "thằng Bờm" ấy len lỏi vào đầu óc tôi qua lời ru của mẹ. Đôi lúc tôi lại hỏi mẹ "Sao Bờm nó chỉ đổi nắm xôi, nó tham ăn quá phải không mẹ?", mẹ lại xoa đầu tôi rồi cười hỏi lại: "Thế là con, con cũng đổi nắm xôi ăn cho no bụng phải không?", rồi hai mẹ con lại cất tiếng cười vang, tiếng cười vô tư trong trẻo của "thằng Bờm".
Thế giới tuổi thơ tôi còn có "Con kiến mà leo cành đa/leo phải cành cụt leo ra leo vào/con kiến mà leo cành đào/leo phải cành cụt leo vào leo ra", có cả con "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/bay cao thì nắng bay vừa thì râm", "Con mèo mà trèo cây cau/hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà"..., một thế giới ngộ nghĩnh đáng yêu vô cùng. Các con vật cứ theo lời ru của mẹ mà hiển hiện, đuổi bắt đùa giỡn trong đầu của đứa trẻ và neo đọng lại cho đến tận bây giờ.
Có lần mẹ hát: "Trăm năm bia đá cũng mòn/ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ", tự nhiên bên nhà bên tiếng nồi chảo, chén bát khua loạn xạ. Mẹ như chột dạ vì lỡ lời nên im bặt. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, thì ra cậu bạn nhà bên được sinh ra bởi sự bồng bột nông nổi, nên nghe tiếng hát ru, người mẹ ấy đã chạnh lòng.
Lớn hơn một xíu, tôi lại bập bẹ thay mẹ ru em. Những lúc em khóc gắt đòi ngủ, khi đã bế em đi hết nhà trên xuống nhà dưới vừa rung vừa vỗ đủ cách mà em vẫn khóc ngằn ngặt, tôi bèn thử hát những lời mẹ từng hát cho mình. Thật ngạc nhiên, bé con từ từ giảm nấc và thiếp đi trên vai tôi tự lúc nào, còn tôi vẫn mải mê hát lên bất cứ câu nào mình còn nhớ. Rồi cứ thế, em lớn dần trong câu hát ru của chị.
Sự lưu giữ cho thế hệ sau bắt nguồn từ những điều giản đơn, bình dị nhất trong cuộc sống mà ít ai nghĩ tới bởi cứ nghĩ rằng đây chỉ là một thói quen mà thôi. Thế mới hiểu, bất cứ điều gì đi ra từ cuộc sống cũng đều mang một sức sống bền bỉ và có sức lan tỏa rộng.
Bây giờ khi đã chọn lựa ngôn ngữ làm nghiệp sống, tự mình thỏa sức tìm hiểu đến tận cùng ý nghĩa của những câu hát lời ru, tôi mới thấu hiểu được tầng tầng lớp lớp giá trị ẩn sâu trong cái vỏ ngôn từ. Giá trị tinh thần ấy là kết tinh chiêm nghiệm của bao đời để con cháu sau này suy ngẫm mà thấm thía. Giờ đây tôi không còn ngô nghê hỏi mẹ những câu đại loại như "Mẹ ơi sao cây cải lại lên trời, sao rau răm ở lại mà không đi theo cây cải?" khi mẹ hát "Gió đưa cây cải lên trời/rau răm ở lại chịu lời (đời) đắng cay" như thuở bé. Ngẫm lại để thấm những nông sâu cuộc đời mà mình nếm trải để tìm thấy sự đồng điệu sẻ chia.
3. Kỷ niệm tuổi thơ luôn là điều mà hầu như ai cũng sẽ mang theo bên mình đầy trân quý. Đó là những hạt giống lành được gieo trên mảnh đất tâm hồn mỗi người. Cách chăm chút khu vườn ấy mỗi người mỗi khác để cây cối nảy lộc đơm hoa cho quả ngọt lành. Thời gian một đi không trở lại, tuổi thơ cũng vậy. Cảm giác được thỏa thuê ngụp lặn tắm mát trong dòng sông thơ ấu luôn luôn là điều đau đáu với bất cứ ai được sinh ra lớn lên từ dòng sông quê nhà.
Vin vào lời ru tao nôi của mẹ để nuôi dưỡng những dịu dàng ấm áp của lòng mình. Ngày xưa bà ru mẹ gửi gắm bao yêu thương kỳ vọng. Mẹ lại ru tôi với tất cả thương yêu, mong chờ. Để rồi khi trưởng thành, con bé con lớn lần lượt chào đời, tôi lại ru con bằng ký ức tuổi thơ trong ngần của mình để được trở về thơ bé. Chính những trải nghiệm ấy đã dung dưỡng trong tôi tình yêu đối với văn chương và những điều chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc, quê hương.
Dòng sữa ngọt ngào, lời ru dịu dàng của mẹ, vừa thủ thỉ chứa đựng biết bao ân tình lẫn mong mỏi chính là suối nguồn yêu thương của tất thảy mỗi người. Lời ru ấy là dòng sông hiền lành lấp lánh rực rỡ nhất, chảy từ tuổi thơ cho đến tận cuối đời chở đầy ắp kỷ niệm đẹp ngời. Thấp thoáng đâu đó vọng về cơn gió mùa thu dịu dàng ấm áp "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/năm canh chầy thức đủ năm canh...".