Đội tuyển Anh hiện tại là tập thể "lai căng" giữa kiểm soát bóng, đánh biên, đôi khi lại chơi phòng ngự phản công. Phải đến trận bán kết gặp Hà Lan, diện mạo của Anh mới được định hình rõ ràng hơn, thay vì có phần hỗn loạn, nhạt nhòa như các trận đấu trước.
Tuy nhiên, không vì thế mà Anh bị đánh giá thấp hơn Tây Ban Nha ở chung kết. Bởi ở vòng đấu loại trực tiếp, yếu tố quyết định thành bại không phải triết lý, mà là khả năng ứng biến linh hoạt với hoàn cảnh. Những nhà vô địch EURO gần nhất như Bồ Đào Nha (2016) hay Ý (2020) là đại diện tiêu biểu. Muốn vô địch châu Âu, các đội cần biết chống lại nghịch cảnh, có lối chơi đa dạng, đồng thời sở hữu lực lượng đủ dày để tạo ra khác biệt.
Trên khía cạnh chống lại nghịch cảnh, cả Anh và Tây Ban Nha đều thể hiện được. Về độ dày lực lượng, đội tuyển Tây Ban Nha đã chứng minh sức mạnh từ chiều sâu đội hình. Dù vắng 3 trụ cột (Robin le Normand, Dani Carvajal, Pedri), Tây Ban Nha vẫn thắng thuyết phục trước Pháp ở bán kết. Dù vậy, đội tuyển Anh lại đang nổi trội hơn với khả năng tạo đột biến từ băng ghế dự bị. Để bù đắp thiếu hụt về triết lý thi đấu, HLV Southgate đang tận dụng rất hiệu quả những nhân tố dự bị, giúp Anh trở thành tập thể khó lường đến phút cuối.
Trong 4 đội góp mặt ở bán kết, Anh đang là đội có số bàn thắng trực tiếp mang về chiến thắng được ghi hoặc kiến tạo bởi cầu thủ dự bị nhiều nhất, với 2 pha lập công. Ở trận gặp Slovakia, tiền đạo Ivan Toney chỉ cần ít phút có mặt trên sân để đánh đầu kiến tạo cho Harry Kane ghi bàn. Đến trận gặp Hà Lan, Cole Palmer chọc khe cho Ollie Watkins sút tung lưới Hà Lan ở phút bù giờ, đưa Anh vào chung kết.
Đội tuyển Anh có chiều sâu lực lượng ấn tượng hơn nhiều so với những bại tướng của Tây Ban Nha trước đó như Đức, Pháp, Ý. HLV Southgate dù bị chỉ trích ở khả năng xây dựng lối chơi, nhưng lại thay người rất "mát tay".
Đơn cử, chiến lược gia người Anh đã lắng nghe góp ý, sử dụng Palmer thường xuyên hơn, ở thời điểm đối thủ đã xuống sức nhằm tận dụng tối đa sức sáng tạo, khả năng nhìn thấu khoảng trống của tiền vệ Chelsea.
Hay cũng trong trận gặp Hà Lan, thay vì dùng tiền đạo không chiến tốt như Ivan Toney, HLV Southgate lại sử dụng mẫu tiền đạo tấn công theo chiều sâu (lao trực diện vào vòng cấm) như Ollie Watkins nhằm khai thác những hậu vệ to cao nhưng xoay xở chậm của Hà Lan, để rồi có bàn thắng quan trọng.
Đội tuyển Anh chưa có độ gắn kết nhuần nhuyễn như Tây Ban Nha, nhưng từng cầu thủ, dù đá chính hay dự bị, đều có những điểm mạnh riêng biệt, có thể phục vụ nhiều kiểu chơi khác nhau, ở những bối cảnh khác nhau. Không dễ bắt bài cách Anh tấn công, bởi "Tam Sư" không có công thức cố định nào. Nói "vô chiêu thắng hữu chiêu" chính là như vậy.
Khi trên ghế dự bị là Palmer, Toney, Watkins, Trent Alexander-Arnold, Anthony Gordon, Jarrod Bowen hay Eberechi Eze, chưa thể biết Anh sẽ làm được gì.
Đấy là lý do một đội tuyển bị chê bai nhạt nhẽo như Anh lại trở nên khó lường. Đặc biệt ở trận chung kết, đội nào tận dụng thời cơ tốt hơn sẽ chiến thắng. Mà ở khoản này, chưa chắc Tây Ban Nha đã hay hơn Anh.