Thời kỳ đầu xung đột quân sự, phía Ukraine chủ động sử dụng UAV nhiều hơn và gây tổn thất không nhỏ cho Nga. Tuy nhiên, Nga đã kịp thích ứng với diễn biến chiến trường, đẩy mạnh phát triển, mua sắm và sử dụng UAV để chống lại Ukraine. UAV Lancet là một lá bài lợi hại của Nga hiện nay.
Nhân tố thay đổi “cuộc chơi”
Trong các tháng gần đây, máy bay không người lái (UAV) cảm tử Zala Lancet của Nga đã liên tục tấn công và vô hiệu hóa các xe thiết giáp được phương Tây cung cấp cho Ukraine nhằm đột phá qua phòng tuyến Nga và tạo đột biến theo hướng có lợi cho Ukraine, theo quân nhân và quan chức Ukraine cũng như các video đăng tải trên mạng xã hội Nga.
Ngày 2/11, Mỹ ban hành lệnh trừng phạt nhằm vào hãng sản xuất UAV Lancet là Zala Aero. Mỹ cũng trừng phạt đối tượng mà họ coi là chủ nhân của công ty này và nhà thiết kế UAV Lancet, Aleksandr Zakharov, cũng như các thành viên của gia đình ông này. Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng nước này đang nhằm vào các cá nhân và thực thể gắn liền với nỗ lực quân sự của Nga tại Ukraine. Hãng Zala Aero không phản ứng ngay trước đề nghị đưa ra bình luận về tuyên bố này từ phía Mỹ.
UAV là nhân tố chính trong việc ngăn cản bước tiến của quân đội Ukraine trên chiến trường. Cùng với bãi mìn, pháo và tên lửa chống tăng có dẫn đường, các UAV đã tạo nên một trở ngại đáng sợ khiến Ukraine phải nghi ngờ về tính khả thi của việc triển khai nhiều hơn 2 chiếc xe thiết giáp cùng một lúc.
Một sĩ quan Ukraine tác chiến ở tỉnh Zaporizhzhia cho biết: “Các UAV tạo ra một vấn đề nghiêm trọng”. Tỉnh Zaporizhzhia là nơi mũi tiến công chính trong cuộc phản công của Ukraine chỉ tiến được vài dặm kể từ khi khởi động vào tháng 6/2023.
Xung đột Nga – Ukraine đã trở thành bãi thử hàng loạt cho các loại UAV, từ UAV thương mại giá rẻ sử dụng để trinh sát đến các loại UAV tự nổ (cảm tử). Giới phân tích quốc phòng nhận xét rằng đợt tấn công của Hamas nhằm vào Israel trong tháng 10 vừa qua có vẻ đã dựa trên một số bài học rút ra từ xung đột tại Ukraine.
Nga chủ động thích ứng tình hình chiến trường
Từ đầu xung đột, lực lượng Ukraine đã sử dụng thành công UAV để thông báo vị trí quân Nga cho pháo binh Ukraine nhả đạn.
Tuy nhiên, Nga kể từ đó đã cải thiện năng lực UAV của mình và đã đuổi kịp Ukraine, theo chính lời của các quân nhân Ukraine. Nga đã tăng cường triển khai UAV Lancet khi Ukraine mở cuộc phản công lớn.
Giới chức tình báo quân sự Anh nói rằng Lancet đại diện cho “bước tiến lớn” trong cách thức Nga sử dụng UAV.
Zala Aero thông báo cho truyền thông Nga hồi tháng 7 rằng họ đã tăng tầm bay của UAV từ khoảng 40 đến 64km.
Zala Aero cho biết, họ đã thử nghiệm và sẵn sàng sản xuất hàng loạt một loại UAV mới có tên gọi Izdeliye-54 hoặc Italmas. UAV này có thể bay khoảng 200km, mang theo một đầu đạn lớn.
Lancet có “tầm quan trọng đặc biệt” trong đội UAV của Nga, theo một tài liệu của Ukraine dùng để thông báo cho các đồng minh. Tuy nhiên, tài liệu cho biết, dù làm ở Nga, UAV Lancet chứa một loạt linh kiện nước ngoài.
Lancet gắn các camera truyền hình ảnh về cho trắc thủ. Một quan chức tình báo quân sự Ukraine nói rằng Lancet là một vấn đề đối với Ukraine bởi vì UAV này hiệu quả trên chiến trường, với chi phí sản xuất tương đối thấp.
James Patton Rogers – một chuyên gia UAV tại Viện Chính sách kỹ thuật Cornell Brooks (Đại học Cornell), nhận xét: “Điều này cho thấy nỗ lực của Nga thích ứng nhanh chóng với diễn biến chiến trường, làm cả những thứ mà Ukraine đang làm”.
Ukraine không có phiên bản nội địa tương ứng với Lancet đang được sản xuất trên quy mô đáng kể. Mỹ đã gửi cho Ukraine UAV Switchblade với nhiều điểm tương đồng với Lancet nhưng Switchblade không được sử dụng trên quy mô lớn.
Ukraine ứng phó với Lancet như thế nào?
Nga cũng sở hữu các UAV trinh sát và vận hành các UAV Shahed mua từ Iran.
Mặc dù vậy, Nga vẫn chậm hơn Mỹ, Israel và các nước khác trong phát triển các UAV tự nổ.
Lancet lần đầu xuất hiện trong các triển lãm thương mại năm 2019 và được đặc nhiệm Nga sử dụng tại Syria để tấn công các thủ lĩnh phiến quân, theo nhà sản xuất loại UAV này.
Tại Ukraine, giới chức nói rằng Lancet đã tấn công một số xe tăng do phương Tây cung cấp, bao gồm xe tăng Leopard của Đức và xe tăng Challenger 2 của Anh.
Bộ Quốc phòng Nga thường xuyên đăng tải trên tài khoản mạng xã hội Telegram của họ các nội dung về “các cuộc tấn công thành công của Lancet”. Các đăng tải gần đây cho biết, UAV này đã phá hủy vài mục tiêu, bao gồm các lựu pháo khác nhau do phương Tây sản xuất.
Lancet có uy lực lớn vì Ukraine thiếu vũ khí có thể ngăn chặn hiệu quả UAV này, buộc người lính Ukraine phải cố gắng bắn hạ Lancet bằng các loại súng nhỏ.
Liên quan đến biện pháp đối phó Lancet, Metinvest – một hãng sản xuất thép của Ukraine, đã bắt đầu sản xuất các hệ thống chặn UAV di động làm từ thép và “lưới B40”. Hệ thống này có thể đặt trên xe quân sự hoặc khí tài quân sự. Công ty này và các hãng khác cũng sản xuất các mồi nhử để dụ người Nga phung phí UAV Lancet vào các mục tiêu giả.
Tổng thống Nga Putin đã thăm một nhà máy sản xuất UAV Lancet cách thủ đô Moscow vài trăm kilomet vào tháng 9, theo website của điện Kremlin. Trước đó một tháng, ông Putin đã kêu gọi tăng cường sản xuất Lancet.
Một chỉ huy pháo binh Ukraine hoạt động ở ngoại vi Bakhmut (Artemovsk) nói rằng ông lần đầu đối mặt với Lancet vào tháng 1. Chiếc UAV lượn vòng quanh khẩu lựu pháo của ông này trước khi lao xuống cỗ trọng pháo đó. UAV trượt mục tiêu nhưng khến ông ta bị thương do mảnh vỡ văng ra từ vụ nổ UAV.
Viên chỉ huy này cho biết thêm, từ tháng 6, khi phản công của Ukraine bắt đầu, các vị trí tác chiến của ông ta đã bị UAV Lancet tấn công từ 25 đến 30 lần. Các khẩu lựu pháo trong đơn vị của ông này tránh được hầu hết các đòn đánh của UAV nhờ cách đơn giản là nấp dưới tán cây hoặc lưới ngụy trang.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...