Tại Trung Quốc, một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, bạo lực học đường cũng đang thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Một chiến dịch chống bắt nạt học đường trên quy mô toàn quốc sẽ được triển khai ở nước này.
Đối với hàng triệu học sinh trên khắp thế giới, học đường không chỉ là không gian của học tập, thu nạp kiến thức, mà còn là nơi để các em phát triển giao tiếp, hoàn thiện các kỹ năng và đáng lẽ ra là một không gian an toàn. Thế nhưng ngày nay tình trạng bạo lực đang diễn ra vô cùng phức tạp, dai dẳng gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc. Các nước trên thế giới dành nhiều nỗ lực để thúc đẩy các sáng kiến nhằm phòng ngừa tình trạng bạo lực học đường.
Thực trạng bạo lực và bắt nạt học đường ở Trung Quốc
Bạo lực và bắt nạt học đường không phải là vấn đề mới ở Trung Quốc. Từ những năm 2016, 2017, chính phủ nước này đã liên tiếp ban hành các văn bản về việc triển khai các chiến dịch xử lý bắt nạt học đường và tăng cường xử lý toàn diện tình trạng bắt nạt ở học sinh tiểu học và trung học.
Điều 130 của Luật Bảo vệ người vị thành niên sửa đổi thực thi năm 2021 của Trung Quốc, cũng đã chính thức đưa vấn đề bắt nạt trường học vào luật và đưa việc xử lý hành vi này vào các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng tội phạm vị thành niên vẫn có xu hướng gia tăng. Theo Sách Trắng về công tác kiểm sát đối với người vị thành niên năm 2022 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc, từ 2020-2022, mặc dù số vụ bắt nạt và tội phạm bạo lực trong nhà trường giảm, nhưng tội phạm vị thành niên nhìn chung gia tăng, tỷ lệ tội phạm vị thành niên ít tuổi cũng ngày càng nhiều.
Cơ quan này cho biết thêm, trong khoảng thời gian 5 năm từ năm 2018-2022, lực lượng kiểm sát đã thụ lý, thẩm tra và khởi tổ 327.000 tội phạm là trẻ vị thành niên, tăng trung bình hàng năm 7,7%. Trong số này, số vụ phạm tội do người dưới 16 tuổi thực hiện tăng trung bình 16,7% mỗi năm.
Quý I/2024, cơ quan kiểm sát trên cả nước Trung Quốc tiếp tục truy tố 12.000 tội phạm vị thành niên.
Trong tháng 3 vừa qua, ít nhất 8 vụ bạo lực trường học nghiêm trọng đã xảy ra tại nhiều địa phương ở nước này. Đỉnh điểm là vụ 3 học sinh cấp hai ở tỉnh Hà Bắc gần Bắc Kinh được cho là đã sát hại dã man một bạn cùng lớp 13 tuổi mà nhóm này đã bắt nạt từ lâu. Cả 3 nghi phạm đều dưới 14 tuổi. Vụ việc đã gây chấn động dư luân và dấy lên một cuộc tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc về luật quản lý tội phạm vị thành niên phạm tội nghiêm trọng. Đó là chưa kể những vụ học sinh tự tử do bị bắt nạt lâu ngày cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Trung Quốc.
Trước thực trạng này, giới chức Trung Quốc đã quyết định phát động chiến dịch chống bắt nạt học đường trên quy mô toàn quốc, nhằm xử lý và ngăn chặn vấn nạn bắt nạt và bạo lực học đường.
“Thế hệ bị bỏ lại” - nạn nhân của bạo lực học đường
Vì lý do mưu sinh, nhiều gia đình ở nông thôn và các làng quê nghèo của Trung Quốc buộc phải để con ở lại trong khi bố mẹ ra thành phố làm việc. Đây là những đứa trẻ vị thành niên thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ.
Trên thực tế, vấn đề này đã tồn tại từ lâu ở Trung Quốc. Năm 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung quốc ước tính, nước này có hơn 61 triệu trẻ em bị bỏ lại ở khu vực nông thôn, dựa trên dữ liệu điều tra dân số lần thứ 6 năm 2010. Mặc dù những năm gần đây con số này đã giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Tính đến tháng 8/2018, gần 7 triệu trẻ vị thành niên sống khác thành phố với cả bố lẫn mẹ, theo Bộ Dân chính Trung Quốc.
Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do hệ thống đăng ký hộ khẩu của Trung Quốc gây trở ngại cho người nhập cư trong việc chuyển gia đình đến thành phố. Mặc dù được tự do đến khu vực thành thị làm việc, nhưng người Trung Quốc ở nông thôn thường khó nhận được hộ khẩu thường trú. Do vậy, lao động nhập cư thường bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ công quan trọng, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở. Với mức lương làm công cơ bản, họ sẽ rất khó khăn trong việc đưa gia đình, con cái lên thành phố.
Do không có cha mẹ bên cạnh, những đứa trẻ này rất dễ gặp các vấn đề về tâm sinh lý vì thiếu sự uốn nắn, chăm sóc từ gia đình. Không ít trong số đó đã có những hành vi phạm tội, trong khi nhiều trẻ do nhút nhát, sợ hãi vì không có người bảo vệ, đã trở thành đối tượng bị bắt nạt và nạn nhân của các hành vi bạo lực trong nhà trường.
Nạn nhân bị sát hại trong thảm kịch đau lòng xảy ra ở Hà Bắc hồi tháng 3 chính là một đứa trẻ bị bỏ lại với ông bà nội, do bố mẹ ly hôn và bố làm việc ở tỉnh khác.
Chiến dịch chống bắt nạt học đường trên quy mô toàn quốc
Hồi cuối tháng 4, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cùng với Bộ Công an và các ban ngành nước này tổ chức Hội nghị truyền hình toàn quốc về công tác an toàn trong các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, phân tích, đánh giá về thực trạng công tác an toàn tại đây, với nỗ lực ngăn chặn và dẹp bỏ các vụ việc an ninh xảy ra trong khuôn viên nhà trường.
Theo đó, hội nghị yêu cầu đi sâu triển khai chiến dịch đặc biệt nhằm ngăn chặn, kiểm soát tình trạng bắt nạt học đường và hình thành cơ chế xử lý lâu dài. Một cuộc rà soát lớn kỹ lưỡng “từ gốc” sẽ được tiến hành đối với tất cả các trường trung và tiểu học để phát hiện nguy cơ “bắt nạt học sinh”.
Học sinh, giáo viên và phụ huynh sẽ được giáo dục định kỳ và đào tạo chuyên đề về pháp luật phòng chống bắt nạt học đường. Cùng với đó, các biện pháp trừng phạt, cảnh báo sẽ được tăng cường và cơ chế truy cứu trách nhiệm sẽ được kiện toàn.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tập trung hơn vào việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, với việc kiện toàn cơ chế theo dõi và cảnh báo sớm sức khỏe tâm thần của học sinh, tăng cường phối hợp giữa nhà trường và bệnh viện. Việc triển khai giáo dục sức khỏe tâm thần cho học sinh sẽ được phân tầng phân cấp và việc tuyên truyền kiến thức trong lĩnh vực này sẽ được đẩy mạnh.
Trước khi Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu triển khai chiến dịch phòng chống bắt nạt học đường trên toàn quốc, hàng loạt địa phương nước này đã phải đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Chẳng hạn, Nội Mông đưa việc phòng chống bắt nạt học đường vào cơ chế bình xét và truy cứu trách nhiệm của giáo viên và nhà trường. Thành Đô, Tứ Xuyên ra quy định về việc các học sinh có hành vi bắt nạt sẽ không được xét vào các trường trung học phổ thông trọng điểm, thậm chí có thể mất cơ hội vào các trường cấp III. Thành Đô, Tứ Xuyên và Phúc Châu, Phúc Kiến lắp đặt các thiết bị báo động AI ở những nơi ẩn khuất dễ tiến hành các hành vi bắt nạt trong trường, nhằm kịp thời can thiệp, ngăn chặn khi học sinh kêu cứu hoặc nhắc đến những cụm từ nhạy cảm liên quan đến bắt nạt học đường. Một số nơi khác công bố đường dây nóng, hòm thư hiệu trưởng hay các ứng dụng tố cáo hành vi bắt nạt học sinh.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...