Quyết định của Ukraine tấn công vùng Kursk có phải là một "canh bạc"?

11:00 - 10/08/2024

Cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine vào khu vực Kursk (Nga) được xem là một nước cờ liều lĩnh. Theo các nhà phân tích, Kiev đang đánh cược vào chiến dịch này để giành được lại thế chủ động trên tiền tuyến.

Theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga, 1.000 lính Ukraine đến từ các lữ đoàn tấn công tinh nhuệ, được trang bị phương tiện chiến đấu hiện đại đã tham gia vào cuộc đột kích vùng Kursk hôm 6/8. Tổng thống Putin gọi đây là "hành động khiêu khích", song, theo cây viết Nick Walsh của đài CNN, Ukraine đang đánh cược vào một "kỳ tích có thể thay đổi cục diện đang bế tắc" trên tiền tuyến.

"Cuộc tấn công lần này là một ván cược, có thể thành hoặc có thể bại. Nhưng sau tất cả, điều này có thể mở ra một giai đoạn mới cho cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm, trong bối cảnh Ukraine đã ở thế bị động suốt nhiều tháng", ông Walsh viết.

"Một mũi tên trúng hai đích"

Cuộc tấn công bất ngờ đã đạt được những hiệu quả bước đầu như kỳ vọng của Ukraine: đẩy quân Nga vào thế bị động. Sau nhiều tháng gia tăng áp lực về phía Pokrovsk và Sloviansk thuộc Ukraine, đây là lần đầu tiên, Nga phải vật lộn để củng cố tiền tuyến thiết yếu nhất của mình - biên giới giữa hai nước.

Ukraine đang rơi vào tình cảnh thiếu hụt binh lực và vũ khí trầm trọng, do thời gian giao tranh kéo dài và những khó khăn trong việc tuyển quân cũng như tiếp nhận khí tài quân sự từ phương tây. Trong bối cảnh ấy, nhiều nhà phân tích đặt ra câu hỏi: Tại sao Kiev lại dồn nguồn lực hạn chế hiện có cho một "ván cược" lớn như vậy, thay vì tăng cường phòng thủ tại Pokrovsk - nơi Nga đang đẩy mạnh tấn công nhằm giành quyền kiểm soát?  

Chuyên gia nghiên cứu quân sự Chris Steven của tờ The Independent nhận định, cuộc đột kích vào Kursk có thể là "một mũi tên trúng hai đích". Một mặt, chiến dịch tấn công này có thể "nâng cao tinh thần" binh sĩ Ukraine vốn "đang ở mức thấp suốt nhiều tháng", do quân đội nước này liên tục ở thế "bị dồn đuổi" trong các cuộc giao tranh với Nga. Mặt khác, Moscow có lẽ "phải phân tán lực lượng cản nước tiến của đối phương", trong khi phương Tây "cũng sẽ suy nghĩ lại về việc tăng cường viện trợ".

Việc Ukraine đột phá qua tuyến phòng thủ của Nga và tiến vào trong lãnh thổ nước này tới hơn 10km đã buộc quân đội Moscow phải tái trang bị cho khu vực này, mở ra khả năng rút một phần quân lực ra khỏi hai chiến trường Kharkov và Pokrovsk. Điều này sẽ giúp giảm bớt một số áp lực cho các lực lượng Ukraine tại đây.

Trước đó, tờ Forbes đưa tin, lữ đoàn cơ giới độc lập số 47 - một trong những lữ đoàn tinh nhuệ nhất của Ukraine, được đào tạo bởi các chuyên gia quân sự của NATO, gần như "không còn khả năng chiến đấu" sau một thời gian dài căng mình trên chiến trường.

Ngoài ra, cuộc tấn công này cũng chứng minh cho phương Tây thấy quân đội Uktaine vẫn có khả năng gây bất ngờ trên chiến trường ngay cả khi chịu áp lực, đồng thời giữ được các bí mật quân sự trước tai mắt của đối phương.

Ông Steven lập luận, sự xuất hiện của lính Ukraine trên lãnh thổ Nga sẽ "nhắc nhở những người ủng hộ gửi thêm các hệ thống tấn công tầm xa, đạn pháo và máy bay phản lực - những vũ khí sẽ tạo nên thêm một kỳ tích cho Ukraine". Trong khi giới chức Ukraine không đề cập trực tiếp đến cuộc đột kích, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ca ngợi khả năng "gây bất ngờ" và "có hiệu quả" của quân đội Kiev trong một lần xuất hiện trước công chúng mới đây.

Đây là lần đầu tiên trong suốt hơn 2 năm giao tranh, Nga và Ukraine đang cân nhắc nhiều hơn đến khả năng đàm phán. Nga có thể được mời tham dự hội nghị hòa bình tiếp theo do Ukraine và các đồng minh tổ chức. Trong nước, gần một nửa người dân Ukraine ủng hộ việc hai nước chấm dứt giao tranh thông qua đàm phán. 

Ông Walsh lập luận rằng, với tương lai của cuộc xung đột đang được đặt trên bàn đàm phán, Nga và Ukraine đang nỗ lực cải thiện vị thế trên chiến trường để nắm "kèo trên" trong quá trình hòa giải.

Vẫn là một canh bạc lớn

Bên cạnh những kỳ vọng có thể nhìn thấy được, cuộc đột kích Kursk vẫn mang nhiều rủi ro. 

Trong nhiều tháng, Ukraine đã thành công trong việc nhắm mục tiêu từ xa - thường là với sự giúp đỡ của phương Tây - vào các mục tiêu bên trong Nga như căn cứ quân sự, nhà máy điện hay các cơ sở sản xuất dầu mỏ nhằm gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế và khả năng tiếp tục giao tranh của Moscow. Nhưng lần này, mọi chuyện đã khác. Ukraine đang gửi một lượng lớn bộ binh trực tiếp tiến sâu trong lãnh thổ Nga, nơi các lực lượng Kiev khó tiếp cận các nguồn các tuyến tiếp tế, khiến việc duy trì khả năng chiến đấu khó khăn hơn nhiều.  

Động thái này diễn ra vào thời điểm Ukraine vừa nhận được lô máy bay F-16 đầu tiên mà họ đã mong chờ từ lâu. Tổng thống Zelensky kỳ vọng sự xuất hiện của F-16 sẽ giúp ngăn chặn mối đe dọa từ bom lượn Nga và giúp Kiev "tạo nên bước đột phá mới trên bầu trời". Tuy nhiên, đạn dược dùng để trang bị cho F-16 vẫn là một vấn đề lớn và theo một số báo cáo, nguồn cung đạn dược từ phương Tây chưa thể lập tức "đáp ứng nhu cầu hiện nay của Ukraine".

Nhiều nhà phân tích nhận định, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris - ứng của viên tổng thống của đảng Dân chủ có quan điểm giữ nguyên chính sách viện trợ dưới thời ông Joe Biden về vấn đề Ukraine, nhưng Ukraine cũng cần chuẩn bị cho viễn cảnh Nhà Trắng đổi chủ vào tháng 11 và ông Donald Trump lên nắm quyền. Cựu Tổng thống cũng từng nhắc đến khả năng cắt nguồn viện trợ, đồng thời kêu gọi Kiev "nhượng bộ lãnh thổ" như một giải pháp chấm dứt giao tranh.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Truy tìm bằng chứng II: Những vụ án mới gay cấn và hấp dẫn

Tình thương của mẹ hổ: Góc nhìn mới giúp phụ huynh hiểu con hơn

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...