Ngày 30/7, Liên Hợp Quốc kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống buôn bán người với chủ đề: “Không bỏ lại trẻ em phía sau trong cuộc chiến chống buôn bán người”. Ngày này đóng vai trò như một lời nhắc nhở nghiêm khắc về thực trạng hàng triệu người trên toàn thế giới là nạn nhân của nạn buôn người, đồng thời kêu gọi hành động toàn cầu để chống lại hình thức nô lệ hiện đại này.
Chiến dịch toàn cầu năm nay tập trung vào tính dễ bị tổn thương của trẻ em và kêu gọi hành động nhanh chóng để chấm dứt nạn buôn bán trẻ em. Hiện trẻ em là đối tượng chịu nhiều hình thức buôn bán khác nhau, bao gồm lao động cưỡng bức, tội phạm hoặc ăn xin, bị buôn bán để nhận con nuôi bất hợp pháp, lạm dụng và bóc lột tình dục trực tuyến....
Theo Báo cáo toàn cầu về nạn buôn người của Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng chống Ma túy và Tội phạm, cứ 3 nạn nhân của nạn buôn người thì có 1 nạn nhân là trẻ em.
Liên Hợp Quốc nhấn mạnh những kẻ buôn người đang kiếm lợi nhuận hàng ngày ở mọi quốc gia, đặc biệt nhắm vào những người nghèo và dễ bị tổn thương. Thống kê cho thấy hơn 70% số người bị buôn bán là phụ nữ và trẻ em gái, và gần 33% là trẻ em.
Giám đốc điều hành của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm, bà Ghada Waly, nhấn mạnh: “Nạn nhân của nạn buôn bán người thường chịu những vết thương suốt đời và khi nạn nhân là trẻ em thì vết thương đó đeo bám họ suốt cả cuộc đời. Năm nay chủ đề tập trung vào nạn nhân là trẻ em với số nạn nhân trẻ em tăng gấp 3 lần trong 15 năm qua. Để ngăn chặn vấn nạn này, chúng ta cần sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức xã hội, tư nhân, các công ty công nghệ, các trường học, nhân viên xã hội...”.
Báo cáo toàn cầu của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc về nạn buôn người cho thấy, từ năm 2014-2021, số nạn nhân buôn người được phát hiện trên toàn cầu đã giảm 11%, nhưng tỷ lệ trẻ em sống sót lại tăng từ 28% lên 35%.
Khu vực Đông Phi và vùng Sừng châu Phi phải đối mặt với những thách thức đáng kể liên quan đến nạn buôn người, trong đó trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Nghèo đói, xung đột và tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương của nam giới, phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái trước nạn buôn người.
Số liệu Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng chống Ma túy và Tội phạm cho thấy, từ năm 2002-2022, ở khu vực Đông Phi và vùng Sừng châu Phi, trẻ em chiếm 12% số người bị buôn bán khỏi khu vực. Phần lớn trẻ em sống sót bị buôn bán chủ yếu vì mục đích lao động cưỡng bức trong các ngành nông nghiệp và khai thác mỏ; nô lệ trong nước; bóc lột tình dục trong ngành dịch vụ khách sạn và bởi những kẻ buôn người và đưa người trái phép. Một xu hướng đáng lo ngại khác là nạn buôn bán trẻ em khuyết tật nhằm mục đích cưỡng bức ăn xin.
Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm đã phát động Chiến dịch Trái tim xanh nhằm nâng cao nhận thức trên toàn cầu về nạn buôn người và tác động của nó đối với xã hội. Chiến dịch này nhằm khuyến khích sự tham gia của các chính phủ, các tổ chức xã hội, khu vực doanh nghiệp và cá nhân, để truyền cảm hứng cho các nỗ lực ngăn chặn nạn buôn người.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...