Điện Kremlin hôm 4/9 tuyên bố sẽ điều chỉnh học thuyết hạt nhân của mình để ứng phó với những gì mà họ mô tả là "thách thức và đe dọa" từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, tuyên bố này sẽ khó trở thành hiện thực.
Nga không thể ngồi im
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Mỹ và các quốc gia phương Tây "từ chối đối thoại", phớt lờ những lo ngại về an ninh của Nga và góp phần leo thang xung đột tại Ukraine,
"Tất cả những điều này đều được Moscow xem xét, phân tích và sẽ đặt nền tảng cho các đề xuất thay đổi liên quan đến học thuyết hạt nhân", ông Peskov nói.
Là một trong tám quốc gia trên thế giới công khai tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân, Nga cũng có bộ quy tắc quy định thời điểm có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga (được trình bày trong một sắc lệnh năm 2020 của Tổng thống Vladimir Putin) nói rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị tấn công hạt nhân bởi kẻ thù hoặc bị tấn công thông thường đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 2/2024, các nhà báo của tờ Financial Times (FT) đã có thể tiếp cận được các tài liệu mật của Nga liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga. FT cho biết ngưỡng sử dụng các loại vũ khí này của Nga thấp hơn nhiều so với những gì các quan chức Nga tuyên bố công khai. Theo cơ quan truyền thông này, quân đội Nga cũng có thể sử dụng chúng để "ngăn chặn các quốc gia xâm lược" hoặc "leo thang xung đột quân sự".
Theo báo cáo tháng 3 của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), Nga hiện có nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới. Lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga bao gồm ba thành phần của lực lượng vũ trang chiến lược được trang bị vũ khí hạt nhân: trên bộ, trên biển và trên không (“bộ ba hạt nhân”). Tổng cộng, kho vũ khí hạt nhân của Nga lên tới gần 4.500 đầu đạn, bao gồm cả những đầu đạn được triển khai và nằm trong kho.
Việc phương Tây "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào Nga làm dấy lên lo ngại phương Tây sắp vượt qua "lằn ranh đỏ" mà Moscow đã đưa ra. Moscow coi việc Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga là "lằn ranh đỏ" sẽ buộc họ đáp trả bằng mọi phương tiện có thể, trong đó có vũ khí hạt nhân.
"Lằn ranh đỏ" mà Moscow đưa ra đã được nhắc đến nhiều hơn sau hôm 6/8 khi Ukraine thực hiện một cuộc tấn công xuyên biên giới vào lãnh thổ Nga. Hiện Ukraine tuyên bố giành được hơn 1.000km2 lãnh thổ Nga và quân đội Moscow vẫn chưa hoàn toàn đẩy lùi các lực lượng Kiev trở về bên kia biên giới.
Ông Pavel Luzin, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA) nhận định rằng Nga cần lấy lại "uy thế" của mình sau "một hành động vượt lằn ranh đỏ lộ liễu" như vậy. Mặc dù phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine dưới hình thức "nhỏ giọt" theo từng đợt nhưng điều đó không có nghĩa là dòng chảy viện trợ đã hoàn toàn bị chặn đứng theo mong muốn của Nga, đủ sức buộc Ukraine phải lui quân.
Thay đổi học thuyết hạt nhân có phải chỉ là đòn tâm lý?
Kể từ khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine hồi đầu năm 2022, Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức Nga khác đã nhiều lần khẳng định, Điện Kremlin đã "chuẩn bị sẵn sàng" cho một cuộc chiến tranh hạt nhân và có thể sử dụng kho vũ khí của mình nếu cần thiết.
Vào tháng 2, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết thế giới sẽ tiến gần đến "ngày tận thế" nếu các quốc gia phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Những cảnh báo tương tự tiếp tục được vị quan chức này đưa ra vào tháng 5, trong bối cảnh các cuộc thảo luận về khả năng triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine - điều mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tích cực ủng hộ, đang trở nên sôi nổi.
"Việc gửi phương Tây gửi quân tới Ukraine sẽ biến họ thành một bên tham chiến và Nga sẽ buộc phải phải đáp trả", ông Dmitry Medvedev nói.
Cùng thời điểm đó, truyền thông liên tục đưa tin về việc Nga đang triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, cũng như tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân chung giữa hai nước. Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Dmitry Stefanovich, những hoạt động diễn tập như vậy nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thiện quy trình chuyển trạng thái sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật và không nhằm vào các đối tượng cụ thể.
Hôm 1/9, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết Nga sẽ thay đổi học thuyết hạt nhân của mình dựa trên phân tích các cuộc xung đột và "hành động leo thang" của phương Tây trong thời gian gần đây. Theo ông Ryabkov, việc thay đổi học thuyết đang ở "giai đoạn chuẩn bị" nhưng quan chức Nga này không tiết lộ cụ thể khi nào học thuyết này sẽ chính thức thay đổi.
Trước tình hình này, các chuyên gia cho rằng bất kỳ thông báo nào về sự thay đổi học thuyết hạt nhân đều mang tính chất của "một đòn tâm lý", thay vì thực sự được hiện thực hóa. Ông Jacob Kaarsbo, một nhà phân tích cấp cao tại think tank Europa cho biết Nga cần phải sử dụng đòn tâm lý này trong bối cảnh các cuộc đàm phán cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công trả đũa Nga đang diễn ra và chiến dịch quân sự của Ukraine tại tỉnh Kursk vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.
"Bằng cách đưa ra thông báo hạt nhân vào thời điểm này, ông Ryabkov đang cố gắng ngăn cản Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine tấn công bằng vũ khí của phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga", ông Kaarsbo nói với tờ Kyiv Independent.
Ông Kaarsbo cũng cho rằng ảnh hưởng của các đồng minh cũng là một biện pháp răn đe đối với Nga vì việc sử dụng vũ khí chiến thuật hạt nhân, đặc biệt là trong việc chống lại Ukraine, sẽ "ảnh hưởng đến quan hệ đối tác của Nga với các nước khác".
Tuy nhiên, chuyên gia Luzin cảnh báo, thế giới phải sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất là Nga "thực sự thay đổi học thuyết hạt nhân của mình".
"Trong bối cảnh các lằn ranh đỏ liên tiếp bị vượt qua, không có gì là chắc chắn", ông Luzin lưu ý.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...