Trái với đánh giá trước đây của một số nhà quan sát phương Tây, Nga đang giành lợi thế trên chiến trường và từng bước đạt được thành quả. Trong khi đó, câu hỏi về sự hỗ trợ cho Ukraine vẫn để ngỏ.
Xung đột ở Ukraine không còn nổi bật trên các phương tiện truyền thông phương Tây như hồi đầu do nó bị phủ bóng bởi cuộc chiến ở Gaza. Tuy nhiên, cuộc xung đột này vẫn tiếp diễn với việc hai bên đều chịu tổn thất đáng kể. Dù vậy, Moscow đang đạt được thành quả cả trên và ngoài chiến trường.
Việc Ukraine gần đây rút quân khỏi thành trì chiến lược Avdiivka đã thu hút sự chú ý. Trên khu vực tiền tuyến gần thành phố Donetsk, các lực lượng của Nga đã đẩy lùi đối phương khỏi Avdiivka và tiếp tục giành thêm lãnh thổ. Quân đội Moscow cũng giành được các thành quả nhất định các khu vực khác trên tiền tuyến.
Trong khi đó, nền kinh tế Nga đã chuyển sang chế độ thời chiến, tăng cường được huy động để phục vụ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng được cho là tiếp nhận một số nguồn lực quân sự từ nước ngoài, phá vỡ các đòn trừng phạt nặng nề từ phương Tây.
Với thực tế này, rõ ràng Nga đang ở vị thế mạnh hơn giữa bối cảnh xung đột đã bước sang năm thứ ba.
Lợi thế của Nga
Trong khi các cuộc tiến công của Nga rõ ràng khiến họ tổn thất thì phía Ukraine cũng chịu thiệt hại đáng kể, thường là khi tăng cường bảo vệ các vị trí phòng thủ không thể trụ vững. Các lực lượng của Nga có lợi thế về số lượng binh sĩ, pháo và đạn dược. Về máy bay không người lái, lĩnh vực quân đội Ukraine từng có lợi thế, Moscow đã bắt kịp hoặc thậm chí còn vượt Kiev.
Một số nhà quan sát phương Tây đã mô tả chiến thuật của Nga trong thời gian đầu xung đột là những cuộc tấn công thiếu khôn ngoan khi triển khai bộ binh. Tuy nhiên, thực tế là quân đội Nga đã thích nghi với tính chất của cuộc xung đột hiện nay. Giờ đây Nga đã phối hợp hiệu quả hơn các hoạt động của pháo, máy bay không người lái và các nhóm nhỏ bộ binh. Thậm chí các nguồn tin từ Ukraine còn nhấn mạnh về việc các binh lính Nga được huấn luyện tốt và có khả năng như thế nào.
Sự ủng hộ của phương Tây
Đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy lực lượng tình báo phương Tây hiện diện ở Ukraine. Bên cạnh sự hỗ trợ quân sự công khai hơn của NATO, những tiết lộ như vậy càng củng cố thêm nhận định của Nga rằng cuộc xung đột ở Ukraine thực chất là "cuộc chiến ủy nhiệm" giữa NATO và Nga.
Một thách thức ngày càng tăng đối với Ukraine là việc giảm sự ủng hộ của công chúng phương Tây đối với việc viện trợ quân sự. Trong một cuộc thăm dò của Gallup hồi tháng 11/2023, 41% số người được hỏi ở Mỹ nói rằng nước này đang làm quá nhiều để hỗ trợ Ukraine. Ý kiến này đã tăng lên 62% trong số các cử tri đảng Cộng hòa. Trở lại tháng 8/2022, những con số này lần lượt là 24 và 43%. Xu hướng trên cũng được thể hiện rõ trong các cuộc thăm dò khác.
Trong khi vẫn còn sự ủng hộ mạnh mẽ trong EU về việc cung cấp cứu trợ nhân đạo cho Ukraine thì các cuộc khảo sát cho thấy việc ủng hộ hỗ trợ quân sự cho Kiev đã suy giảm.
Chính phủ Ukraine cho rằng các vấn đề của quân đội nước này có thể được giải quyết với nhiều phương tiện và đạn dược hơn từ phương Tây. Chắc chắn việc tăng cường những nhân tố trên sẽ cải thiện vị thế của Ukraine. Tuy nhiên, viện trợ của phương Tây không phải "thuốc chữa bách bệnh" giải quyết tất cả vấn đề của Kiev. Những báo cáo gần đây cho thấy các lực lượng của Nga đã phá hủy một số xe tăng Abrams mà Mỹ cung cấp cho Ukraine trên mặt trận Avdiivka. Điều đó cho thấy các vũ khí phương Tây không phải là những phương tiện không thể hư hại.
Các nước NATO cam kết sẽ tiếp tục viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine mặc dù gói hỗ trợ của Mỹ vẫn bế tắc tại Quốc hội. Vụ bê bối gần đây ở Đức liên quan đến khả năng cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine nhấn mạnh rằng khả năng phương Tây tăng cường hơn nữa các cam kết với Ukraine không phải là điều chắc chắn.
Liệu các nước phương Tây có tăng cường vai trò chủ động hơn trong cuộc xung đột ở Ukraine hiện vẫn chưa rõ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã tuyên bố "không loại trừ" việc phương Tây đưa quân tới Ukraine.
"Mọi thứ đều có thể xảy ra nếu nó giúp ích để chúng tôi đạt được mục tiêu", ông Macron phát biểu sau cuộc gặp của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris về tương lai hỗ trợ cho Kiev. Nhắc nhở các nhà lãnh đạo rằng phương Tây về những điều mà cách đây 2 năm, họ không tưởng tượng được mình đã làm, chẳng hạn như cung cấp tên lửa tiên tiến và xe tăng hạng nặng, Tổng thống Macron cho biết mục tiêu hiện nay là đảm bảo "Nga không thể giành chiến thắng cuộc xung đột này".
Tuy nhiên, hầu hết các nhà lãnh đạo NATO khác đều khẳng định việc đưa quân tới Ukraine sẽ không xảy ra. Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Italy và Cộng hòa Séc nhanh chóng nhấn mạnh họ không cân nhắc đến việc đưa quân tới Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nói với AP rằng liên minh này không có các kế hoạch như vậy.
Trong khi đó, Tổng thống Biden nhắc lại rằng Ukraine đang yêu cầu hỗ trợ quân sự và vũ khí chứ không phải lính Mỹ.
"Họ không yêu cầu lính Mỹ. Trên thực tế, không có lính Mỹ nào tham chiến ở Ukraine. Tôi quyết tâm giữ nguyên quan điểm như vậy", ông Biden nói.
Tuy nhiên, lập trường của ông Macron không phải không nhận được sự ủng hộ. Động thái này rõ ràng sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp Nga - NATO cũng như rủi ro của việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Giữa bối cảnh quân đội Nga vẫn tiếp tục tiến công, các diễn biến hiện nay đều cho thấy quyết tâm của Moscow và Kiev vẫn rất mạnh mẽ. Đa số các nhà lãnh đạo NATO sẽ duy trì cam kết ủng hộ Ukraine. Cả hai bên cũng cho thấy họ chỉ sẵn sàng cân nhắc đàm phán theo các điều khoản của mình. Xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài bao lâu có lẽ là câu hỏi chưa thể trả lời sớm.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...