Giới quan sát nhận định, động thái an toàn nhất cho Ukraine trong một cuộc xung đột tiêu hao với Nga là chuyển về phòng thủ, đồng thời buộc Moscow phải tiêu hao lực lượng và trang thiết bị.
Chiến trường bế tắc
Lữ đoàn Cơ giới 47 của Ukraine được phương Tây huấn luyện và trang bị vũ khí để tiến hành cuộc phản công mùa hè được cho là đang thay đổi tình hình chiến trường theo hướng có lợi cho Kiev.
Sau khi chỉ tiến được một vài km trong suốt những tháng qua ở phía Nam, trong những ngày gần đây, lữ đoàn này đang chiến đấu để đối phó với cuộc tấn công của Nga nhằm vào một thành phố công nghiệp nhỏ ở phía Đông.
“Đây là một cuộc giao tranh khó khăn. Lợi thế của Nga là số lượng. Họ đang tiến công không ngừng”, một binh lính thuộc lữ đoàn trên cho hay.
Sự dịch chuyển của Lữ đoàn 47 từ tấn công sang phòng thủ đã phản ánh một giai đoạn mới của xung đột khi các chỉ huy cấp cao của Ukraine thừa nhận, cuộc phản công không đạt được tiến triển như mong muốn. Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhniy đã miêu tả tình trạng giao tranh đang chững lại trong cuộc trả lời phỏng vấn với The Economist, đồng thời đánh giá có thể sẽ không có đột phá đáng kể.
Các quan chức Nga coi sự dịch chuyển trên là một dấu hiệu cho thấy Moscow đang trên cơ và đặt cược vào một cuộc xung đột kéo dài. Theo các quan chức Ukraine, trong khi Tổng thống Putin chuyển hướng nền kinh tế sang thời chiến và triển khai hơn 400.000 binh lính ở Ukraine thì Kiev chủ yếu phụ thuộc vào hỗ trợ vũ khí và tài chính từ phương Tây, vốn đang đối mặt với một tương lai không chắc chắn.
Ngày càng nhiều người ủng hộ Ukraine ở Mỹ và châu Âu nói rằng Kiev có thể ở một vị thế mạnh hơn hiện nay nếu chính quyền Tổng thống Biden cung cấp vũ khí nhanh chóng hơn, chẳng hạn như xe tăng, tên lửa tầm xa và chiến đầu cơ. Theo họ, các cuộc tranh luận kéo dài về việc cung cấp vũ khí đã khiến Ukraine lãng phí khoảng thời gian giá trị đầu năm nay trong khi nước này lẽ ra có thể đạt được thành quả vào cuối năm ngoái.
“Không có viên đạn bạc nào có thể thay đổi tình thế bế tắc này về ngắn hạn”, Douglas Lute, Trung tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu, đồng thời là cựu Đại sứ tại NATO cho hay.
Nga hiện kiểm soát 1/5 lãnh thổ Ukraine và đang tìm cách tiến công về phía Đông Bắc và phía Đông. Ukraine vẫn đang tiến công theo phía Nam với hy vọng sẽ tiến tới bờ biển Azov và chia cắt làm đôi các lực lượng của Nga. Tuy nhiên, cả hai bên đều đã kiệt sức và không có đủ sức mạnh quốc phòng để tạo nên những thay đổi lớn trong mùa đông này.
“Đây là một chiến hào bế tắc. Một cuộc tấn công tổng lực là điều bất khả thi với cả hai bên. Không bên nào có thể tạo nên đột phá”, quan chức an ninh cấp cao Ukraine cho hay.
Hiện nay, Nga đang tập trung quanh các thành phố nhỏ như Kupyansk ở phía Đông Bắc và Avdiivka ở phía Đông. Các lực lượng của Moscow đã đạt được một số thành quả nhỏ trong nỗ lực bao vây thành phố Avdiivka, trong đó có việc nắm giữ một tuyến đường sắt ở vùng ngoại ô Tây Bắc.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine cũng đang chật vật trong các cuộc giao tranh hiện nay. Một binh lính thuộc Lữ đoàn 47 cho biết họ thiếu đạn dược và lực lượng, đồng nghĩa với việc xe bọc thép và các phi công điều khiển UAV đôi khi sẽ được triển khai tới các vị trí trên tiền tuyến.
Một quan chức cấp cao NATO nhận định, Nga thiếu nguồn lực để tiến hành cuộc tấn công lớn trong năm nay và Ukraine có lẽ giữ lợi thế giao tranh trong mùa đông này bởi họ cho thấy khả năng di động lớn hơn.
“Nga sẽ gặp hạn chế khi chiến đấu trên các địa hình gồ ghề và tiến công bằng cách đi bộ”, quan chức NATO trên cho hay.
Giải pháp an toàn nhất cho Ukraine
Tuy nhiên, bất chấp việc được phương Tây huấn luyện và trang bị vũ khí cho cuộc phản công, các lực lượng của Ukraine không thể đạt được mục tiêu xuyên thủng phòng tuyến Nga và tiến đến bờ biển Azov.
Mặc dù cả hai bên đều tuyên bố muốn hòa bình nhưng các cuộc đàm phán không thể diễn ra khi Nga kiên định với mục tiêu ban đầu và Ukraine tuyên bố sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ do Moscow kiểm soát. Các quan chức Ukraine thừa nhận, một cuộc xung đột kéo dài sẽ có lợi cho Nga.
Theo một quan chức an ninh cấp cao Ukraine, Nga đã xây dựng một nhà máy UAV có thể sản xuất 1.000 UAV tầm xa mỗi tháng. Nước này cũng đang đưa vào chiến đấu các xe tăng được sản xuất vào những năm 1950 và 1960, hiện vẫn còn số lượng lớn trong kho.
“Chúng không hiện đại nhưng có thể di chuyển, nã pháo và gây ra các vấn đề”, quan chức này cho hay.
Trong khi đó, Ukraine phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, giữa bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng để Quốc hội thông qua một gói hỗ trợ mới. Với nhu cầu nguồn cung đạn dược lớn, đặc biệt là pháo, các quan chức Ukraine cho biết họ cần một bước tiến lớn về vũ khí và số lượng để xuyên thủng phòng tuyến Nga, trong đó có các UAV và hệ thống tác chiến điện tử. Cuộc phản công của Ukraine thất bại chủ yếu là do sức mạnh của hệ thống phòng thủ Nga, gồm các bãi mìn dày đặc, chiến hào, ưu thế trên không và UAV để phát hiện cũng như tấn công mục tiêu.
Trong khi Ukraine đối mặt với sức ép gia tăng để giành thế chủ động trên chiến trường thì một số nhà quan sát nhận định, động thái an toàn nhất cho Kiev là chuyển về tư thế phòng thủ và buộc Nga phải tiêu hao lực lượng, trang thiết bị để đạt thành quả. Ở một mức độ nào đó, Ukraine đang áp dụng hướng tiếp cận này ở Avdiivka.
Ukraine đang sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ, Anh và Pháp cung cấp để nhắm vào các cơ sở hậu cần quan trọng của đối phương, trong đó có đường sắt, cảng biển và sân bay.
“Phòng thủ dễ dàng hơn nhiều so với tấn công”, Dmitry Gorenburg, chuyên gia về các vấn đề an ninh tại tổ chức nghiên cứu quốc phòng CNA ở Arlington, Virginia nói.
Theo các nhà quan sát, hướng tiếp cận này có thể dẫn đến tổn thất nhỏ về lãnh thổ cho Ukraine và khiến một số người tin rằng Kiev đang rút lui, nhưng đây là một kế hoạch an toàn để xây dựng lực lượng và nguồn cung.
“Đây có lẽ không phải một kế hoạch lý tưởng nhưng là một chiến lược quân sự trong cuộc xung đột kéo dài và có giá trị trong việc buộc Nga phải mở rộng nguồn lực, huy động tài chính và sau đó quay lại tấn công”, ông Gorenburg cho hay.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...