Đảo chính tại Niger và Gabon: Điềm báo đáng lo ngại đối với châu Phi

00:29 - 01/09/2023

Các cuộc đảo chính tại Niger và Gabon dường như là điềm báo đáng lo ngại đối với châu Phi – khu vực đã chứng kiến tình trạng bất ổn nghiêm trọng trong thời gian gần đây.

Quân đội Gabon hôm 30/8 đã tiến hành cuộc đảo chính, lật đổ tổng thống vừa tái đắc cử. Động thái này diễn ra gần 1 tháng sau khi xảy ra những diễn biến tương tự ở Niger.

Trước việc ngày càng có nhiều chính phủ dân sự trong khu vực có nguy cơ bị lật đổ bằng vũ lực, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng: “Nhiều nhà lãnh đạo dân cử trong khu vực ít nhiều đều nhận thức được kịch bản xấu đang chờ đợi họ nếu nền dân chủ không được khôi phục”.

Điều gì xảy ra tại Gabon?

Bốn ngày sau khi Gabon tổ chức cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi, với chiến thắng thuộc về Tổng thống Ali Bongo Ondimba, 64 tuổi, các sỹ quan quân đội Gabon đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước thông báo hủy kết quả bầu cử, đóng cửa biên giới, giải tán nhiều cơ quan lập pháp và tuyên bố nắm quyền. Ông Bongo nhậm chức lần đầu tiên vào năm 2009, kế nhiệm cha ông – người đã nắm quyền kể từ năm 1967. Dù quốc gia này không phải đối mặt với các cuộc tấn công thánh chiến hay tình trạng bất ổn như ở Tây Phi, nhưng việc nắm quyền trong thời gian dài đã khiến Tổng thống Bongo chịu nhiều áp lực.

Nhóm sỹ quan của quân đội Gabon cho biết, họ “quyết định bảo vệ hòa bình bằng cách chấm dứt chế độ hiện tại” và nói thêm rằng cuộc bầu cử không đáp ứng các điều kiện cho một cuộc bỏ phiếu minh bạch, đáng tin cậy và toàn diện mà người dân Gabon kỳ vọng”.

Vẫn chưa rõ phản ứng của các cường quốc trong khu vực và quốc tế đối với cuộc đảo chính này. Nhưng Mỹ và Liên minh châu Phi cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình với sự quan ngại sâu sắc.

Mặc dù cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính tại Gabon, nhưng đến nay vẫn chưa có tuyên bố công khai nào kêu gọi khôi phục lại chính quyền của Tổng thống Bongo. Đây là điều khác biệt hoàn toàn so với cuộc đảo chính tại Niger ngày 26/7 khi một số tổ chức như ECOWAS kêu gọi khôi phục quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum.

Điều gì xảy ra tại Niger?

Tướng Abdourahamane Tiani – người đứng đầu lực lượng bảo vệ tổng thống Niger đã dẫn đầu lực lượng đảo chính tuyên bố lật đổ Tổng thống dân cử từ năm 2021 là ông Mohamed Bazoum. Hai ngày sau, ông Tiani tuyên bố là lãnh đạo mới của Niger trong giai đoạn chuyển tiếp, dù không được quốc tế công nhận, giữ chức Chủ tịch Hội đồng bảo vệ tổ quốc Niger (CNSP) với vai trò nguyên thủ quốc gia.

Cuộc đảo chính tại Niger đã tạo ra một vành đai các quốc gia do quân đội điều hành trải dài từ Đại Tây Dương đến Biển Đỏ. Hầu hết các nước trong số này có mối liên hệ chặt chẽ với Nga hơn là phương Tây. Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi, một khối khu vực gồm 15 quốc gia, đã lên án việc tiếp quản đồng thời đe dọa can thiệp quân sự để khôi phục chính quyền dân chủ, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thực hiện bất cứ động thái nào.

Nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính ở Gabon khác với nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính ở các quốc gia Sahel – nơi tình trạng bất ổn do phiến quân Hồi giáo gây ra đã ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của người dân và thu hút sự chú ý của dư luận. Nhưng tác động có lẽ sẽ tương tự khi có thể làm bùng phát thêm nhiều nỗ lực đảo chính chống lại những chính quyền dân sự trong khu vực.

Điềm báo đáng lo ngại đối với châu Phi

Một số nhà quan sát cho rằng, dường như xu hướng đảo chính đang gia tăng tại những nước châu Phi nói tiếng Pháp. Sự kiện ở Niger diễn ra sau hai cuộc đảo chính ở các nước láng giềng Mali và Burkina Faso và một cuộc đảo chính khác ở quốc gia Guinea gần đó. Tất cả những vụ việc này đều bắt từ tình trạng kinh tế bất ổn, sự lan rộng của bạo lực cực đoan, khiến người dân thất vọng.

Tại Burkina Faso, Mali và Niger, một phần nguyên nhân do các cuộc nổi dậy của những nhóm Hồi giáo cực đoan hoành hành khắp khu vực Sahel. Còn tại Gabon, quân đội nước này cho biết, họ lật đổ chính quyền vì nghi có gian lận bầu cử và sâu xa hơn có thể là do sự bất mãn trước việc chính quyền đương nhiệm nắm quyền quá lâu. Ông Sultan Kakuba, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Kyambogo ở Uganda cho rằng, một trong những lý do dẫn tới đảo chính là việc các tổng thống nắm quyền quá lâu và mất tập trung khiến các tổ chức chính phủ suy yếu.

Không loại trừ khả năng, việc chứng kiến quân đội nắm quyền ở các nơi khác có thể tạo ra hiệu ứng domino dẫn tới làn sóng lật đổ chính phủ dân sự. Chưa kể, việc Pháp mất dần vị thế tại Sahel sẽ khiến nhiều quốc gia thấy rằng Paris sẽ khó có khả năng duy trì sự can thiệp quân sự để ngăn chặn các cuộc đảo chính.

Các cuộc đảo chính tại Mali và Burkina Faso đã chứng kiến sự nổi lên của các chính quyền quân sự có lập trường muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Pháp – quốc gia đã dẫn đầu cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan trong khu vực trong suốt một thập kỷ. Mali và Burkina Faso đã yêu cầu Pháp rút quân, đồng thời bắt tay hợp tác với lực lượng quân sự tư nhân Wagner của Nga. Niger – quốc gia từng là đối tác quan trọng nhất của phương Tây trong khu vực giờ đây đã cắt đứt các thỏa thuận an ninh với Pháp. Còn tại Gabon, vẫn chưa rõ lập trường của phe đảo chính.

Cuộc đảo chính tại Gabon là cuộc đảo chính thứ 8 ở Tây và Trung Phi trong vòng 3 năm qua. Bảy cuộc đảo chính trước đó đều có một điểm chung đó là phe đảo chính đều không khuất phục trước những nỗ lực quốc tế nhằm buộc họ phải từ bỏ quyền lực.

Sự lên án rộng rãi hoặc đe dọa can thiệp quân sự hầu như có rất ít tác dụng trong việc gây sức ép khiến các nhà lãnh đạo phe đảo chính tại Mali, Burkina Faso, Guinea, Niger và Chad từ chức kể từ năm 2020. Các lệnh trừng phạt đối với những quốc gia này dường như chỉ làm gia tăng sự phản kháng và khiến người dân ngày càng ủng hộ chính quyền quân sự.

Bà Maja Bovcon – nhà phân tích về châu Phi tại công ty Verisk Maplecroft tư vấn rủi ro có trụ sở tại London cho rằng: “Điều đáng lo ngại đối với tất cả các cuộc đảo chính này là các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm khôi phục chế độ dân chủ đều thất bại. Tôi có rất ít hy vọng rằng lần này mọi chuyện sẽ khác đi”.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...