Tướng Không quân Mỹ nghỉ hưu J. Marcus Hicks cho rằng: “Niger là pháo đài an ninh và hy vọng cuối cùng ở Sahel. Khoảng trống để lại ở đó mà Nga có thể tận dụng gia tăng ảnh hưởng sẽ là vấn đề nghiêm trọng thực sự”.
Đòn giáng mạnh vào nỗ lực chống khủng bố của Mỹ và phương Tây
Những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm làm suy yếu các mạng lưới khủng bố trên khắp thế giới phần lớn đã thành công ở các điểm nóng như Iraq, Syria và Yemen. Ở châu Phi thì không như vậy, đặc biệt là ở Sahel, khu vực bán khô hạn rộng lớn ở phía Nam sa mạc Sahara, nơi các nhóm có liên hệ với Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang giành được vị thế với tốc độ đáng báo động.
Các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào thường dân ở Niger đã giảm 49% trong năm nay, phần lớn là do 2.600 binh sĩ Pháp và Mỹ đang huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng Niger cũng như chiến lược chống nổi dậy đa hướng của tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum, các nhà phân tích đánh giá.
Giờ đây, tất cả những nỗ lực và thành quả đạt được có thể sẽ “tan thành mây khói” nếu nổ ra xung đột trong khu vực hoặc chính quyền quân sự ra lệnh cho các lực lượng phương Tây, bao gồm 1.100 lính Mỹ, rời đi và yêu cầu đóng cửa 3 căn cứ máy bay không người lái.
Khoảng trống an ninh ở Niger có thể khuyến khích các lực lượng cực đoan tăng cường tuyên truyền, tuyển dụng các chiến binh địa phương và thậm chí cả nước ngoài để thực hiện âm mưu tấn công các nước phương Tây.
Các quan chức Mỹ đánh giá, việc không có sự hiện diện trong khu vực sẽ khiến giới quân sự Mỹ khó xác định và không thể nhanh chóng phá vỡ các mỗi đe dọa khi chúng manh nha hình thành. Bên cạnh đó còn là mối lo những sự kiện gần đây sẽ mở toang cánh cửa cho Nga gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua lực lượng quân sự tư nhân Wagner.
Colin P. Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại Soufan Group, một công ty tư vấn an ninh có trụ sở tại New York, cho biết: “Việc Mỹ rút khỏi Niger và đóng cửa các căn cứ máy bay không người lái của nước này sẽ là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực chống khủng bố của phương Tây ở Sahel”.
Ouhoumoudou Mahamadou, thủ tướng của Niger cho đến trước khi cuộc đảo chính nổ ra chia sẻ: “Niger đã từng là rào cản chống lại các nhóm khủng bố đối với các quốc gia ven biển. Một Niger suy yếu thì sẽ có rất ít cơ hội giữ được vai trò này”.
Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) đã cảnh báo rằng, sau những gì xảy ra ở Niger, bạo lực cũng có thể lan sang Bờ Biển Ngà – một trong những cường quốc kinh tế của khu vực.
Pauline Bax, Phó Giám đốc chương trình châu Phi tại ICG đánh giá, tất cả các quốc gia vùng Vịnh Guinea đều rất lo lắng. Giữa làn sóng phẫn nộ về cuộc đảo chính ở Niger và khả năng lực lượng Wagner có thể xuất hiện ở quốc gia này thì các nhóm Hồi giáo trong khu vực có thể đang ăn mừng cơ hội để mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Niger là trung tâm trong các nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan đang gia tăng ở khu vực Sahel trong một thập kỷ qua và đã có tầm quan trọng lớn hơn kể từ sau cuộc đảo chính ở Mali.
Trong bối cảnh triển vọng khôi phục quyền lực cho tổng thống bị lật đổ Bazoum có vẻ mờ mịt, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc hai lựa chọn chính. Thứ nhất, Mỹ có thể chính thức tuyên bố sự kiện xảy ra ở Niger là “một cuộc đảo chính quân sự” và bắt đầu quá trình kích hoạt các lệnh trừng phạt của quốc hội đối với những kẻ phạm tội và cắt giảm viện trợ, giống như những gì Mỹ đã làm khi các lực lượng quân sự tiến hành đảo chính gần đây ở Mali và Burkina Faso. Thứ hai, Washington có thể tìm kiếm một thỏa thuận với chính quyền quân sự để tiếp tục hợp tác chống khủng bố.
Mỹ lo suy giảm ảnh hưởng, Nga tận dụng cơ hội
Cho đến nay, tình hình tương đối yên bình và không có sự ra tay của chính quyền. Nhưng mối đe dọa can thiệp quân sự của Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), và hy vọng về một giải pháp ngoại giao đang cạn kiệt khiến chính quyền Biden phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong những ngày tới.
Các quan chức Mỹ thừa nhận nước này có thể phải tìm đối tác thay thế, nhưng điều này cũng đang bị hạn chế. Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận ở Mauritania, Ghana, Chad và các nơi khác trong khu vực. Nhưng không có quốc gia nào trong số đó nằm ở vị trí trung tâm như Niger, hoặc có vẻ như sẽ chấp nhận sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ. “Niger là một đối tác quan trọng đối với chúng tôi trong khu vực”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói với báo giới hôm 15/8.
Có một điều an ủi nhỏ đối với chính quyền Tổng thống Biden, khi họ cố gắng cân bằng giữa việc chưa chính thức gọi những gì xảy ra ở Niger là đảo chính với mong muốn duy trì sự hiện diện an ninh ở Niger, là việc quân đội tiếp quản chính quyền dường như do mâu thuẫn cá nhân hoặc bè phái hơn là câu chuyện xung đột hệ tư tưởng.
Sự sụp đổ của chính phủ dân chủ được phương Tây hậu thuẫn ở Niger cũng đã làm sống lại một cuộc tranh luận về việc liệu Mỹ có phải quá thiên về an ninh – cách tiếp cận bị thiếu sót ngay từ đầu.
Alexander Noyes, một nhà khoa học chính trị tại tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation, cho biết: “Chúng tôi có cách tiếp cận quân sự hóa quá mức để chống khủng bố. Và điều đó làm tổn thương chúng tôi”.
Ông Noyes nói rằng viện trợ của Mỹ cho các quốc gia như Niger sẽ hiệu quả hơn nếu ưu tiên hỗ trợ quản trị thay vì cung cấp hỗ trợ sát thương, như máy bay không người lái và huấn luyện lực lượng đặc nhiệm.
Các quan chức Tây Phi đã cảnh báo rằng nhóm lính đánh thuê Wagner có thể sẽ tới để lấp đầy khoảng trống nếu quân đội Pháp rời đi, trong bối cảnh có tin đồn rằng một quan chức chính quyền quân sự Niger gần đây đã gặp đại diện của nhóm Wagner ở Mali.
Giới chức Mỹ thừa nhận không có bằng chứng nào cho thấy Wagner đã giúp xúi giục quân đội tiếp quản quyền lực ở Niger, nhưng nhóm này rõ ràng đang muốn khai thác tình hình hiện nay ở Niger. “Hãy gọi cho chúng tôi bất cứ lúc nào”, người sáng lập của Wagner, Yevgeny V. Prigozhin nói trong một tin nhắn thoại được cho là nhằm vào chính quyền quân sự Niger. Thông điệp của ông Prigozhin đã được chia sẻ vào tuần trước trên các kênh Telegram có liên hệ với Wagner.
J. Marcus Hicks, một tướng Không quân đã nghỉ hưu, người từng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của Mỹ ở Châu Phi từ năm 2017 đến năm 2019 nhận định: “Niger là pháo đài an ninh và hy vọng cuối cùng ở Sahel. Khoảng trống để lại ở đó mà Nga có thể tận dụng gia tăng ảnh hưởng sẽ là vấn đề nghiêm trọng thực sự”.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...